Chất lượng tăng trưởng có nhiều cải thiện tích cực

(BĐT) - Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 có nhiều ý nghĩa, tạo đà thuận lợi cho việc hoàn thành các nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Trong đó, đi đôi với tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng đã có những cải thiện tích cực.
Lần đầu tiên cơ bản đạt được tất cả các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhiều nhất từ trước đến nay. Ảnh: Lê Tiên
Lần đầu tiên cơ bản đạt được tất cả các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhiều nhất từ trước đến nay. Ảnh: Lê Tiên

Bức tranh tăng trưởng nhiều điểm sáng

Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số liệu cuối cùng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp Quốc hội lần này đã tăng thêm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với báo cáo tại kỳ họp tháng 10 năm trước. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (số đã báo cáo là 6,7%), tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,53% (số đã báo cáo là khoảng 4%) và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,51%, riêng các huyện nghèo giảm 5% (số đã báo cáo lần lượt là 1-1,5% và 4%).

“Đây là 3 chỉ số rất quan trọng của nền kinh tế, thể hiện nền kinh tế tăng trưởng tốt đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội”, ông Phương nhận định.

Có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Quốc hội không yêu cầu đặt mục tiêu và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này hàng năm, mà chuyển sang đặt mục tiêu và đánh giá chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm để cho ra kết quả tổng thể và chính xác hơn.

Theo ông Phương, không tính chỉ tiêu này, thì tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt mục tiêu đề ra và đánh giá chung có thể thấy 3 kết quả quan trọng nhất của năm 2017. Thứ nhất, lần đầu tiên cơ bản đạt được tất cả các mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra, trong đó số chỉ tiêu vượt kế hoạch đạt nhiều nhất từ trước đến nay, với 8 chỉ tiêu.

Thứ hai là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên rất nhiều, được cộng đồng quốc tế đánh giá có tiến bộ vượt bậc về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo… 

Kết quả thứ ba rất quan trọng là niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ được củng cố rõ nét.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương cũng đánh giá, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, yếu kém như năng suất lao động chưa cao, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm… đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra để có những chuyển biến thực chất, đột phá hơn trong thời gian tới. 

Cần đánh giá công bằng về chất lượng tăng trưởng

Kết quả tăng trưởng cao của năm 2017 cũng đặt ra quan ngại là tăng trưởng cao không đi đôi với chất lượng tăng trưởng.

Tuy nhiên, ông Phương chỉ ra chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu cải thiện tích cực và cần phải đánh giá một cách công bằng, khách quan, dựa trên những chỉ số khoa học. Đó là tốc độ tăng trưởng cao hơn; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tiến bộ dần; thu nhập bình quân đầu người tuy còn thấp so với thế giới nhưng đã tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt mức 2.385 USD/người; chỉ số phát triển con người (HDI) theo đánh giá của quốc tế cũng đạt mức khá ở nhóm nước trung bình và năm 2017 lần đầu tiên vượt Philippines...

Theo ông Phương, dù chưa đạt so với yêu cầu và kỳ vọng nhưng đó là những tín hiệu tốt cho thấy nhiều chuyển biến về chất lượng tăng trưởng.

Nhận định chung về triển vọng kinh tế năm 2018, ông Phương cho rằng, thuận lợi nhiều hơn khó khăn, nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan. Những yếu tố tạo ra tăng trưởng đột biến như năm 2017 chưa thấy xuất hiện. Vì thế, kết quả tăng trưởng các quý sau của năm 2018 có thể trùng xuống, không phải do năng lực nền kinh tế yếu đi, mà là phần tăng thêm của tăng trưởng năm nay không bằng năm trước. Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh các dự án đang thực hiện để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.

Chính phủ cũng đánh giá năm nay có một số thách thức cần theo dõi sát để điều hành kịp thời như cảnh giác với chu kỳ tăng trưởng 10 năm, sức ép lạm phát tăng… 

Về quan ngại nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Trần Quốc Phương chia sẻ, yếu tố nước ngoài là không thể thiếu trong hội nhập. Việt Nam cũng rất cần thu hút những doanh nghiệp nước ngoài lớn, tập đoàn đa quốc gia. Cần phải nhìn nhận công bằng khu vực FDI đã có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển, diện mạo của nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua. “Không phải vì họ chiếm tỷ trọng cao mà hạn chế họ, ngược lại phải phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, gắn kết được với khu vực FDI để cùng nhau phát triển”, ông Phương nêu quan điểm.

Về đầu tư công, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, giải ngân tháng 4 đã có tín hiệu tích cực, chiếm 45% tổng giải ngân 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, kết quả 4 tháng vẫn rất thấp và thấp hơn cùng kỳ năm trước. Theo Bộ KH&ĐT, năm nay Chính phủ giao kế hoạch vốn rất sớm, ngay từ đầu năm, nhưng công tác triển khai chưa đạt kết quả như mong muốn. Qua các cuộc kiểm tra tại những bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp, Bộ KH&ĐT tổng hợp nhiều nguyên nhân giải ngân thấp, trong đó nguyên nhân thường gặp là giải phóng mặt bằng và vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân về thực thi khi trên cùng một mặt bằng chính sách, quy định về đầu tư công, nhưng có nơi giải ngân nhanh, có nơi làm chậm. “Vấn đề triển khai thực hiện của các cấp được giao vốn cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tiến độ giải ngân”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.