Vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện rõ hơn qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành. Ảnh: LTT |
Nhấn mạnh vai trò của nhân dân, doanh nghiệp
Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong nhiệm kỳ qua với nhiều kết quả đạt được.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho rằng: “Mặc dù nhiệm kỳ vừa qua gặp nhiều khó khăn, thách thức như tình hình biển Đông, biến động của nền kinh tế thế giới…, nhưng chúng ta đã làm được nhiều việc như sửa Hiến pháp, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, không rơi vào khủng hoảng…”.
ĐBQH Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: “Đối với Chính phủ, có 3 điểm nổi bật mà Chính phủ đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua là điều hành kinh tế - xã hội linh hoạt, hiệu quả; kiên trì chủ trương tích cực hội nhập, điều mà những kỳ trước chưa làm được nhiều; có nhiều nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế thị trường, thể hiện ở cải cách doanh nghiệp nhà nước, chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất”. Đối với Quốc hội, thành tựu lớn nhất là xây dựng Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Cụ thể, Việt Nam có 6 bộ luật thì đến nay đã sửa được 5 bộ luật với nhiều văn bản luật”…
ĐBQH Lê Thanh Hải (Đoàn TP.HCM) cho rằng: “Thực tế trong 5 năm qua cho thấy, nhân dân, doanh nghiệp trong nước có vai trò rất quan trọng. Họ đã chống chọi với khó khăn, nỗ lực rất lớn để vươn lên tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, mặc dù vốn nhỏ, lại chịu sức ép cạnh tranh lớn với doanh nghiệp bên ngoài. Tuy nhiên, các báo cáo vẫn chưa đánh giá đúng mức vai trò này. Kinh nghiệm cho thấy, những sáng tạo của cơ sở chính là yếu tố quan trọng để đi đến thành công, nhân tố quyết định mọi thành quả”.
Riêng đối với hoạt động của Quốc hội, ĐBQH Đỗ Văn Đương (Đoàn TP.HCM) đánh giá: “Nhiệm kỳ qua, Quốc hội hoạt động dân chủ và hiệu quả hơn. ĐBQH được quyền bày tỏ ý kiến của mình, phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của cử tri, đem được hơi thở cuộc sống vào nghị trường để đưa ra các Nghị quyết góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như vấn đề nợ công, thủy điện, bảo vệ tài nguyên…
Còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Nếu so với các nước xung quanh thì nhiệm kỳ vừa qua vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Chúng ta đã để tuột mất nhiều thời cơ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân, mà thời cơ thì chỉ đến trong một thời điểm nhất định. Chẳng hạn như lĩnh vực nông nghiệp như cà phê, gạo, điều...”. Ông Nghĩa cho rằng, đây là một trong những thế mạnh của Việt Nam, trong nhiều năm liền Việt Nam là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản. Với lợi thế đó, chúng ta có thể tận dụng thị trường và công nghệ để tiến thêm một bước nữa là chuyển từ chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô sang xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn chưa làm được điều này.
Đặc biệt, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “TPP được xem là “một cơ hội vàng” đối với Việt Nam theo nhiều nghĩa. Nếu như 3 năm trước, chúng ta dốc sức nhiều hơn để chuẩn bị tốt về nhân lực, đẩy mạnh tái cơ cấu… thì nay, kết quả đã khác”. Chúng ta phải chủ động được nguồn sợi có xuất xứ từ nội khối thì mới tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn của TPP cho ngành hàng dệt may. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt “nhảy” vào Việt Nam mở nhà máy sản xuất sợi để tận dụng cơ hội này.
Đánh giá báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Sơn Hà chỉ ra rằng: “Cần đánh giá rõ hơn những việc gì mà khóa trước để lại mà chưa làm được như vấn đề cổ phần hóa, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc Vinashin, tách chức năng quản trị nhà nước với chức năng sở hữu của Nhà nước, tinh giảm biên chế…
Kiểm điểm trách nhiệm của Quốc hội và bản thân các ĐBQH trong nhiệm kỳ qua, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng hoạt động của Quốc hội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. “Có lẽ vấn đề mà cử tri không hài lòng nhất là kết quả giám sát”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phản ánh.
ĐBQH Đỗ Văn Đương cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội tuy nhiều, nhưng vẫn nặng về báo cáo “hình thức”, chưa chỉ ra được những “bệnh tật” của nền kinh tế, tính dân biểu, tính tranh luận và phản biện chưa cao. Hơn nữa, việc giám sát theo vụ việc, tình huống vẫn còn ít. Trong khi đó, theo ông Đương, chỉ khi giám sát theo các tình huống, vụ việc như vậy mới giải quyết được triệt để vấn đề của thực tiễn, chỉ ra đúng căn bệnh để chữa trị.