Chật vật bước tiến của công nghiệp hỗ trợ

(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho rằng, DN CNHT không thể lớn được do nhiều cái khó, trước hết là vốn để đầu tư công nghệ, thủ tục hành chính... Câu hỏi được đặt ra là DN có thể tìm kiếm nguồn vốn ở đâu, giải pháp nào tháo gỡ kịp thời các khó khăn này?
Cả nước hiện có khoảng 1.800 DN công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu cung ứng các linh kiện, chi tiết giản đơn, hàm lượng công nghệ trung bình hoặc thấp. Ảnh: Tiên Giang
Cả nước hiện có khoảng 1.800 DN công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu cung ứng các linh kiện, chi tiết giản đơn, hàm lượng công nghệ trung bình hoặc thấp. Ảnh: Tiên Giang

Khó tiếp cận vốn, vướng mắc thủ tục

Hiện số lượng DN CNHT rất ít, chỉ khoảng 1.800 DN và chủ yếu cung ứng các linh kiện, chi tiết giản đơn, hàm lượng công nghệ trung bình hoặc thấp, có giá trị nhỏ. Tại sao DN không mặn mà đầu tư sản xuất?

Tại Tọa đàm "Những bước tiến của CNHT Việt Nam" do Báo Tuổi trẻ tổ chức sáng 26/9, tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp cho biết, Công ty chuyên cung cấp linh kiện cho các DN ô tô lớn như: Toyota, Trường Hải… từ nhiều năm nay, nhưng thực sự DN mãi không lớn lên được. Lý do được ông Hoàng chia sẻ là, tài sản của DN đã thế chấp hết ở ngân hàng, DN không có tiền đầu tư do khó khăn tiếp cận vốn nên dù có đơn hàng vẫn không thể cạnh tranh được.

Tỏ rõ sự tiếc nuối cơ hội làm ăn lớn bày ngay trước mặt nhưng DN không thể thực hiện, ông Hoàng ngậm ngùi: “Hiện nay, Toyota nhập khẩu rất nhiều linh phụ kiện từ Thái Lan. Chúng tôi chỉ cần có tiền đầu tư dây chuyền công nghệ là có thể cung ứng ngay đơn hàng cho Toyota, nhưng DN không làm được vì vẫn là câu chuyện không có tiền”.

Chia sẻ gian nan của DN CNHT, bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam không thiếu chính sách hỗ trợ đối với DN CNHT. “Ngoài việc có cơ chế cho vay tiền, Chính phủ thậm chí còn cho tiền hỗ trợ DN CNHT như thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa…, nhưng việc tiếp cận vốn rất khó”. Cái khó được bà Bình đề cập là ý tưởng, trường hợp nếu xin được tiền cũng khó có thể giải ngân với nhiều thủ tục chính thức và phi chính thức.

Theo bà Bình, liên quan đến vay vốn, Hiệp hội đã từng đàm phán với các ngân hàng để mong muốn có được lãi suất cho vay hấp dẫn cho các DN CNHT, nhưng cuối cùng ngân hàng vẫn yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp. Đây là bài toán cực kỳ khó đối với DN CNHT. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đã sử dụng bảo lãnh chuỗi cung ứng thay tài sản thế chấp từ hàng chục năm nay.

Ngoài câu chuyện khó tiếp cận vốn, bà Bình chia sẻ thêm, nhiều DN CNHT còn phàn nàn về thủ tục của các cơ quan quản lý. Có tới gần 80% DN CNHT cho biết thủ tục hành chính gây khó khăn và đề nghị phải thay đổi từ hải quan, môi trường, thuế… “Nhiều DN chế tạo cho biết mất rất nhiều chi phí không chính thức để thực hiện các thủ tục hành chính, dẫn đến đội chi phí”, bà Bình nói.

Cần tư duy mới thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển

Thông tin đưa ra tại Tọa đàm cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT, đến thời điểm này, số lượng hồ sơ đề nghị được xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn khiêm tốn. Trong số 35 hồ sơ đề nghị được xác nhận ưu đãi, Bộ Công Thương đã cấp 23 giấy xác nhận, nhưng các hồ sơ được cấp ưu đãi đều của DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, bà Trương Chí Bình kỳ vọng, phản ứng chính sách của các cơ quan quản lý cần nhạy hơn, nhanh hơn. Đại diện Hiệp hội CNHT cho biết, Bộ Tài chính vừa đề xuất bổ sung quy định ưu đãi thuế nhập khẩu với mức 0% cho các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để làm các sản phẩm CNHT cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, để chính sách này có hiệu lực cũng mất một khoảng thời gian tương đối, lúc ấy, chưa chắc cơ hội hỗ trợ cho các DN CNHT vẫn còn.

Cho ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước thực trạng năng lực của DN CNHT còn nhiều hạn chế, nếu cứ để DN loay hoay như hiện nay thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Điều quan trọng là nhìn vào thực trạng DN CNHT đang cần gì, thiếu gì... để tìm cách tháo gỡ. “Muốn thúc đẩy ngành CNHT phát triển, cần sự vào cuộc nhiều hơn từ các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho DN”, bà Tuệ Anh nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề thị trường cho DN CNHT, bà Tuệ Anh nhìn nhận, chúng ta cần thay đổi tư duy về thị trường vì hiện nay thị trường rộng hơn trước rất nhiều, không chỉ là thị trường trong nước, ASEAN mà cả CPTPP, EVFTA… Theo đó, tư duy phát triển CNHT cũng phải mới để đáp ứng nhu cầu.

Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam diễn ra ngày 24/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ “quyết chiến” để đưa ngành cơ khí Việt Nam tiến bước. Thủ tướng cũng cam kết có chính sách tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN.

Tin cùng chuyên mục