Cứ sau mỗi đợt có thông tin liên quan đến quy hoạch là giá đất có dấu hiệu tăng. Ảnh minh họa: Gia An |
Cuối tháng 2/2022, khi lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết sẽ đưa huyện này phát triển theo hướng đô thị sinh thái, trở thành một thành phố trực thuộc TP.HCM, ngay lập tức giá đất khu vực này dậy sóng.
Việc mua bán bất động sản ở Củ Chi trong thời điểm đó diễn ra khá nhanh chóng, thậm chí có người bán đất không cần qua trung gian, chỉ đăng thông tin lên Facebook, chưa đến 24 giờ đã có người mua.
Giám đốc một công ty bất động sản ở Củ Chi cho hay, thường mỗi đợt "tạo sóng" như vậy, giá đất bị "thổi" lên khoảng vài chục phần trăm. "Khách hàng mua bán vào những thời điểm ấy, nếu xác định để vài năm thì không sao, chứ nếu muốn bán lại chỉ sau đó vài tháng thì không phải dễ, nếu không nói là thua lỗ", vị giám đốc này chia sẻ.
Mới đây, ngày 2/6/2022, khi UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học thuộc Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2023, trong đó định hướng huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ phát triển thành thành phố trực thuộc TP.HCM và huyện Nhà Bè sẽ phát triển thành quận đô thị vệ tinh, ngay lập tức thị trường bất động sản ở những khu vực này được hâm nóng.
Theo khảo sát của phóng viên, do sản phẩm được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín ở những khu vực này chưa nhiều, nên khách hàng chủ yếu săn đất nền lô lẻ hoặc đất thửa lớn nằm xen kẽ trong các khu dân cư là chính. Và, giới đầu nậu lâu nay thường găm giữ đất khá nhiều, nên thừa những lúc có thông tin mới sẽ tung hàng ra bán.
Tại Hóc Môn, một lô đất thổ cư có diện tích 5x28 m, nằm ở đường Dương Công Khi, giáp với tỉnh Long An, nay đã được rao với giá 3,9 tỷ đồng. Hay như một miếng đất 703 m2, trong đó có 683 m2 đất ở đô thị, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh được rao 16,3 tỷ đồng.
Riêng ở Cần Giờ, một huyện nằm ở xa trung tâm TP.HCM, một thửa đất có diện tích ngang 30 dài 65 m, trong đó có 300m2 đất thổ cư, nằm ở đường Phan Đức, thị trấn Cần Thạnh, mặt tiền biển, được rao giá 100 tỷ đồng.
Dẫn ra một vài ví dụ để thấy, từ đất lô nhỏ, lô vừa, đến lô lớn ở các huyện vùng ven TP.HCM chỉ sau một năm đã được đẩy giá lên rất cao, chênh lệch đến vài chục phần trăm.
DKRA Vietnam dự báo, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong quý II/2022 có thể tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, tập trung chủ yếu ở các thị trường giáp ranh TP.HCM. Trong đó, đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu.
Dĩ nhiên, dự báo này của DKRA chỉ dựa trên những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư, chứ không bao gồm thị trường lô lẻ bên ngoài. Lời khuyên tìm mua những chủ đầu tư uy tín, dự án có pháp lý rõ ràng, dường như vẫn chưa được khách hàng chú trọng.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, thường mỗi chủ trương, chính sách từ khi bàn thảo đến khi áp dụng vào thực tiễn mất rất nhiều thời gian chứ không phải ngày một ngày hai. Nhưng đa phần những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm hiện nay, cứ nghe có thông tin là hùa theo mua đất, mà không xác định được thời hạn đầu tư là bao lâu, dẫn đến nhiều lúc bị sập bẫy của đầu nậu và "cò đất".
"Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản cứ tăng giá ảo, thiếu tính bền vững, vì đầu cơ nhiều hơn đầu tư. Khi một thị trường tiềm ẩn quá nhiều rủi ro như thế, những người đến sau sẽ là những người ôm hận", một chủ đầu tư cảnh báo.