Nhiều doanh nghiệp xi măng đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm từ đầu tháng 5/2022. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, các DN xi măng đang gặp rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng tăng rất cao, trong đó có giá than, giá xăng dầu, thạch cao cũng như chi phí vận chuyển. Đặc biệt, từ ngày 27/4 vừa qua, giá than thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất xi măng.
Theo ông Cung, giá than chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành xi măng. Trong khi đó, phần lớn than cho sản xuất phải nhập khẩu khiến giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế. Trước đây, giá than khoảng 60 - 70 USD/tấn nhưng trong quý I/2022 đã tăng lên hơn 220 USD/tấn và hiện tiếp tục tăng mạnh. Thêm nữa, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh nên dù DN thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí vẫn không thể bù đắp phần chi phí đầu vào tăng mạnh. Khó khăn này buộc các DN sản xuất xi măng trong nước phải điều chỉnh tăng giá bán kể từ đầu tháng 5/2022.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, việc tăng giá bán là điều DN xi măng không mong muốn, nhưng nếu không tăng giá bán thì DN sẽ thua lỗ, đóng cửa. Thậm chí, theo ông Cung, hiện có một số DN xi măng, nhất là DN sản xuất nhỏ, không chịu được áp lực chi phí đầu vào tăng cao, có thể tạm dừng sản xuất.
Thông tin về tình hình tiêu thụ xi măng trong nước, ông Cung cho hay, mức tiêu thụ xi măng vẫn chưa thực sự phục hồi do các dự án đầu tư công đang được triển khai chủ yếu là dự án giao thông, xi măng không phải là vật liệu chính. Với các công trình xây dựng dân dụng, do giá vật liệu “leo thang”, không có nhiều dự án mới được thực hiện…
Công CP Xi măng Bỉm Sơn cho hay, giá đầu vào sản xuất xi măng tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của Công ty, buộc đơn vị phải thông báo điều chỉnh giá bán xi măng bao, rời tăng 70.000 đồng/tấn kể từ ngày 10/5 vừa qua. Những trọng số đầu vào của sản phẩm như than, xăng dầu… đều cao nên giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng mạnh như hiện nay gây áp lực lớn cho Công ty.
Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, giá nguyên, nhiên liệu tăng vọt đã bào mòn hiệu quả kinh doanh của đơn vị. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu tăng trưởng song lợi nhuận lại giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Giá đầu vào sản xuất xi măng tăng cao, theo Ban Quản lý dự án Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1, còn tác động mạnh tới việc triển khai thực hiện các gói thầu, dự án của Công ty. Một số gói thầu không có nhà thầu tham dự do giá gói thầu “lỗi thời”, không theo kịp biến động của thị trường.
Trong tháng 5/2022, một loạt DN sản xuất xi măng khác đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm như: Công ty Xi măng Nghi Sơn điều chỉnh tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn xi măng (không bao gồm xi măng Jumbo) kể từ ngày 1/5/2022; Chi nhánh Công ty Xi măng Long Sơn tại Khánh Hòa tăng giá bán xi măng thêm 60.000/tấn với tất cả các nhãn hiệu xi măng bao kể từ ngày 5/5/2022; Công ty TNHH MTV Xi măng Hạ Long tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn…
Trước đó, trong tháng 3/2022, nhiều nhà sản xuất xi măng trong nước đã thông báo tăng giá bán xi măng với mức tăng phổ biến 100.000 - 150.000 đồng/tấn.
Nhận định về giá xi măng thời gian tới, ông Cung dự báo: “Với bối cảnh thế giới cũng như trong nước hiện nay, khả năng từ nay tới cuối năm, giá bán xi măng vẫn tiếp tục tăng để bù đắp chi phí, duy trì sản xuất”.
Để hạn chế tối đa những rủi ro do giá đầu vào tăng cao, Hiệp hội Xi măng Việt Nam khuyến nghị các DN xi măng cắt giảm chi phí không cần thiết, tăng cường hiệu quả kinh doanh…