Trong khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và bổ sung đăng ký kinh doanh tại Hà Nội đang tăng lên thì công tác đăng ký vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tiên Giang |
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội hiện nay chiếm 97,2% trong tổng số các doanh nghiệp đã đăng ký thành lập. Trong khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và bổ sung đăng ký kinh doanh tại Hà Nội đang tăng lên hàng ngày, thì công tác đăng ký vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. “Thực tế có nhiều doanh nghiệp phải xếp hàng từ 6 giờ sáng, nhưng chỉ đến 8 - 9 giờ sáng đã hết số đăng kí làm hồ sơ” – ông Đỗ Quang Hiển dẫn chứng.
Trước thực tế này, ông Hiển đã đưa ra một số kiến nghị đối với TP. Hà Nội nhằm giải quyết các vướng mắc và tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Hiển cho rằng, Hà Nội cần mở thêm các điểm đăng ký kinh doanh để giải quyết vấn đề đăng kí thành lập doanh nghiệp. UBND TP. Hà Nội cần chủ trì cùng các sở, ban, ngành rà soát, hoàn thiện, đẩy nhanh quy trình nhận và trả lời kết quả. Đưa công tác quản lý nhà nước theo quy chuẩn ISO, đồng thời công khai quy trình này với doanh nghiệp để doanh nghiệp nắm được quy trình, biết được hồ sơ của mình đang ở giai đoạn nào để cùng phối hợp với các sở, ban, ngành giải quyết.
Ông Hiển cũng đề nghị Hà Nội cần có sự điều chỉnh trong cách tính các loại thuế nhập khẩu, VAT, đất đai... Bởi lẽ hiện nay, cách tính các loại thuế trên đã được áp dụng từ nhiều năm và thực tế đã không còn phù hợp.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm, Thành phố sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể, chính quyền Thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Ngay sau Hội nghị, Thành phố sẽ thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố sẽ ban hành chương trình để thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển các hoạt động phi chính thức sang chính thức trên diện rộng bằng các việc làm rất cụ thể như: hỗ trợ, làm thủ tục từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo để từ chủ hộ kinh doanh thành chủ các doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đất đai… Phấn đấu, trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố có thêm 200.000 doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Hà Nội phải đi tiên phong thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Để làm được như vậy, chính quyền Thành phố phải thật sự cầu thị, cần sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới; có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Thủ đô. Cần phát triển trong mối liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển.