Chỉ số khởi sự kinh doanh thăng hạng 19 bậc

(BĐT) - Theo Báo cáo Doing Bussines 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 104/190 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng 19 bậc so với năm 2018. 
Ngân hàng Thế giới ghi nhận thời gian làm thủ tục khởi sự kinh doanh tại Việt Nam đã giảm từ 22 ngày xuống còn 17 ngày. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Thế giới ghi nhận thời gian làm thủ tục khởi sự kinh doanh tại Việt Nam đã giảm từ 22 ngày xuống còn 17 ngày. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là kết quả đúng như những dự đoán trước đó, bởi trong năm qua, các nỗ lực cắt giảm thủ tục liên quan đến hoạt động này được đẩy mạnh liên tục.

Ghi nhận nỗ lực cải cách

Tính về điểm số, tổng điểm của Việt Nam ở chỉ số khởi sự doanh nghiệp (DN) là 84,82, cao hơn mức điểm trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (83,29). Malaysia, Indonesia, Philippines và Lào đứng sau Việt Nam ở chỉ số này.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là kết quả tích cực ghi nhận sự đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với những cải cách của Việt Nam trong lĩnh vực khởi sự DN, đăng ký kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kết quả này ghi nhận có sự nỗ lực lớn của các đơn vị liên quan trong hoạt động này. Trước đây, khởi sự kinh doanh gồm 19 bước và 22 ngày, trong đó bước cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau đó DN phải công bố nội dung kinh doanh thì WB tính là một thủ tục và thời gian thực hiện 5 ngày.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các phòng đăng ký kinh doanh của địa phương đã có những cải cách thông qua các sáng kiến. Điển hình là nhiều địa phương đã có sáng kiến 2 trong 1 hay 3 trong 1, nghĩa là khi nộp hồ sơ đăng ký, họ nộp luôn yêu cầu công bố nội dung đăng ký kinh doanh. Như vậy, sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ công bố nội dung thay vì DN sau khi cấp giấy đó họ phải quay lại làm thủ tục công bố riêng.

“Nỗ lực này đã được WB ghi nhận. Bước khởi sự kinh doanh rút từ 9 bước còn 8 bước và giảm đi 5 ngày, tổng ngày xuống còn 17”, ông Hiếu phân tích. 

Còn dư địa tiếp tục thăng hạng

Doing Business 2019 cho thấy, dù tổng điểm của Việt Nam có tăng từ 66,77 lên 68,36, nhưng không bằng nhiều nền kinh tế khác, khiến Việt Nam phải lui 1 bước trong bảng tổng sắp, đứng ở vị trí 69/190 quốc gia trong bảng xếp hạng. Bên cạnh 3 chỉ số được thăng hạng thì vẫn nhiều chỉ số khác tụt hạng. Ngoài ra, nếu so thứ hạng trên bảng xếp hạng giữa Việt Nam và các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ phải mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn.
Mặc dù Chỉ số khởi sự kinh doanh đã có bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng, song chiểu theo mục tiêu mà Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đặt ra cho năm nay là tăng ít nhất 40 bậc, nghĩa là ở khoảng vị trí thứ 80 thì kết quả đạt được mới đạt non nửa mục tiêu đề ra.

Kỳ vọng chỉ số này ở mức tốt hơn, bà Trần Thị Hồng Minh nhìn nhận, chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục nâng hạng như vấn đề liên quan đến đăng ký tài khoản ngân hàng, cắt giảm thời gian mua và in hóa đơn VAT, chi phí cho DN… Đặc biệt, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chủ trì sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, trong đó, dự kiến tiếp tục bỏ những thủ tục không còn cần thiết cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có khởi sự DN.

Chia sẻ thêm về dự kiến sửa 2 luật trên, ông Phan Đức Hiếu cho biết, một số nội dung sẽ sửa theo hướng trao quyền chủ động cho DN; một số nội dung vì không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay sẽ được bãi bỏ. “Như vây, thủ tục đăng ký sẽ rút gọn hơn nhiều”, ông Hiếu nói.

Ở một khía cạnh khác, một số ý kiến cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều nỗ lực trong cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn chưa được Báo cáo của WB ghi nhận đầy đủ. Một phần là do thông tin mà WB có được chưa đầy đủ hoặc là do độ trễ của thời gian kết thúc đánh giá sớm hơn nhiều so với thời gian công bố kết quả. Về vấn đề này, đại diện CIEM cho biết, đối với một số chỉ số, WB không căn cứ vào luật, bởi vì có sự khác biệt giữa quy định của luật pháp và thời gian thực tế mà DN phải bỏ ra để tuân thủ luật.