BSR đang tiếp tục làm việc với các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược |
Trong báo cáo tham luận tại Hội thảo, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên đã tóm tắt kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính của BSR trong năm 2017 như: Doanh thu đạt 82.021 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 9.872 tỷ đồng. Sau 8 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất 50,4 triệu tấn sản phẩm các loại; tổng doanh thu 881.200 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD); nộp ngân sách nhà nước 145.520 tỷ đồng (tương đương trên 6 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế đạt 17.330 tỷ đồng.
BSR đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) thành công vào ngày 17/1/2018 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Kết thúc IPO, BSR đã bán hết 241.427.969 cổ phần với mức giá thanh toán bình quân là 22.428 đồng/cổ phần. Tiền thu được là 5.417 tỷ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán dự kiến theo giá khởi điểm. Ngày 1/3/2018, cổ phiếu BSR đã được niêm yết trên sàn UPCoM (Hà Nội).
Hiện nay, BSR đang tiếp tục làm việc với các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Sau khi tiến hành IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán, BSR sẽ làm các thủ tục để chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.
Nói về những cơ hội và thách thức đối với sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp hiệu quả khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích: Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 351 doanh nghiệp được đánh giá trong chương trình năm 2016 có điểm quản trị công ty trung bình đạt 46,52%. Doanh nghiệp quản trị công ty tốt hơn sẽ có kết quả kinh doanh và giá trị thị trường cao hơn. Điểm quản trị công ty có mối quan hệ cùng chiều với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (được đo bằng ROE và ROA) và giá trị thị trường của doanh nghiệp. Quản trị công ty tốt là cơ sở vững chắc để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.
Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng kết luận Hội thảo
TS. Sang đưa ra các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), đó là: Đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty có hiệu quả; quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; đối xử bình đẳng với cổ đông; vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty; công bố thông tin và tính minh bạch.
Từ đó, TS. Sang khuyến nghị: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị và ban kiểm soát thông qua việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt phù hợp; xem xét xây dựng quy tắc của OECD cho doanh nghiệp nhà nước; tăng cường sự tiếp cận thông tin của cổ đông; nâng cao chất lượng thông tin được công bố, đặc biệt tập trung vào báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết; nâng cao hiệu quả của quy trình tổ chức đại hội đồng cổ đông; tạo điều kiện hơn nữa cho cổ đông thiểu số, đặc biệt là cổ đông nước ngoài trong việc thực hiện quyền cho cổ đông; có các phương án phòng tránh và xử lý các xung đột lợi ích; thúc đẩy các hoạt động về môi trường, xã hội và người lao động; tăng chế tài/xử phạt các vi phạm.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng công cụ quản trị tại Đạm Cà Mau, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) Bùi Minh Tiến cho biết: Ngay khi IPO, Đạm Cà Mau đã khởi động dự án ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp), sau đó là kiểm soát nội bộ theo chuẩn COSO, dự án văn hóa giai đoạn mới, KPI (chỉ số đánh giá hiệu suất công việc), chuỗi 4.0 vào quản lý - cung ứng… Ngoài ra, Đạm Cà Mau cũng áp dụng quản trị trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho PVCFC nhiều năm qua. Đạm Cà Mau cũng có những cố gắng trong việc tích hợp các công cụ quản trị như ISO - ERP - COSO. Đạm Cà Mau đã thành công trong việc tích hợp gần 200 quy trình nội bộ thành 18 bộ quy trình.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, tham luận, kinh nghiệm trong quản trị công ty cổ phần, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng yêu cầu, bất cứ doanh nghiệp nào của PVN khi tiến hành chuyển đổi sang công ty cổ phần cũng cần nhận thức rõ cổ phần hóa và mô hình công ty cổ phần là tất yếu khách quan.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, để làm tốt công tác quản trị ở BSR và các đơn vị trong PVN, trước hết phải nắm rất chắc về quản trị, tự nâng cao kiến thức về quản trị; nắm thật chắc về công ty cổ phần. Phó Tổng giám đốc PVN cũng yêu cầu BSR đầu tư nhiều cho hệ thống và công cụ quản trị trong công ty cổ phần. “Xét cho cùng, quản trị công ty là quản trị con người trong quá trình sản xuất kinh doanh, quản trị mục tiêu hướng tới cái chung” - ông Lê Mạnh Hùng nhìn nhận.