Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội nào cho Việt Nam năm 2019?

(BĐT) - Bên cạnh nỗ lực tận dụng cơ hội lấp khoảng trống thương mại tại hai quốc gia này, Việt Nam có thể kỳ vọng vào việc trở thành điểm đến được lựa chọn cho sự dịch chuyển dòng vốn khi các nhà đầu tư băn khoăn trước các diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Vấn đề hiện nay là quyết liệt thực thi để tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tận dụng cơ hội thu hút FDI. Ảnh: Lê Tiên
Vấn đề hiện nay là quyết liệt thực thi để tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tận dụng cơ hội thu hút FDI. Ảnh: Lê Tiên

Những chuyển biến tạo lợi thế

Trong khi lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất tạm ngừng các hành động leo thang chiến tranh thương mại và dự kiến nối lại đàm phán thương mại vào đầu tháng 1/2019, Hãng tin Reuters cho biết, Foxconn - nhà lắp ráp điện thoại iPhone lớn nhất của Apple - dự định sẽ bắt đầu mở rộng hoạt động này sang Ấn Độ vào năm 2019 thay vì chỉ lắp ráp tại Trung Quốc.

Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy, cuộc chiến tranh này sẽ tạo ra cơ hội cho các nước khác không chỉ từ việc tăng xuất khẩu hàng hóa khi các nhà sản xuất Trung Quốc gặp khó với thị trường Mỹ mà còn tăng thu hút vốn đầu tư.

Dự đoán về cơ hội này với Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ cơ hội lấp chỗ trống trên thị trường khi Trung Quốc mất lợi thế xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, nhiều đầu mối nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ do thiếu cung hàng hóa từ Trung Quốc nên tìm đến nguồn cung từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, đó chỉ là những lợi ích mang tính ngắn hạn, triển vọng dài hạn vẫn khó đoán định. Cuối năm 2019 và năm 2020, câu chuyện tái phân bổ chuỗi giá trị toàn cầu từ Trung Quốc có thể sẽ lan sang các nước khác với dấu hiệu khá rõ từ việc iPhone chọn mở rộng sản xuất sang Ấn Độ. Những nước xung quanh Trung Quốc có thể hưởng lợi khi các doanh nghiệp tính đến việc chuyển dòng vốn ra khỏi nước này. “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không có tín hiệu được giải quyết tích cực có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc chuyển sang các nước khác, và Việt Nam có thể là một lựa chọn”, ông Thắng nói.

Cũng phân tích về cơ hội và lợi thế của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, đối với thế giới, nói đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là nói đến những điều tiêu cực, nhưng với Việt Nam, đây có thể là một cơ hội mà chúng ta cần tận dụng.

“Đáng chú ý, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, đặc biệt trong phát triển hạ tầng, vì một trong những trụ cột của chiến lược này là đầu tư phát triển hạ tầng bằng vốn tư nhân, không phải bằng vốn chính phủ như ở Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cần tìm cách tháo bỏ rào cản để tận dụng cơ hội thu hút nguồn vốn này”, ông Cung nhấn mạnh. 

Nắm bắt cơ hội, đối phó thách thức

Dù nhận định là Việt Nam có cơ hội hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, song TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, không nên quá lạc quan và không nên khuếch đại quá mức lợi thế, thay vào đó, hãy bàn nhiều hơn đến việc làm thế nào để tận dụng được cuộc chiến thương mại này.

Đồng tình với quan điểm này, theo ông Trần Toàn Thắng, Việt Nam có một số lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc là chi phí lao động, độ mở của nền kinh tế, mức đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, công nghiệp phụ trợ tăng. Tuy nhiên, phải tính đến hiệu lực thực thi từ các quy định của Việt Nam để biến những lợi thế này thành hiện thực, điều này cần được quyết liệt thực thi để tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

Nhận xét về khả năng ứng biến của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng diễn ra cuộc chiến này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách vĩ mô thuộc CIEM cho rằng, định hướng điều hành kinh tế Việt Nam thời gian qua là phù hợp với việc ổn định chính sách kinh tế vĩ mô.

Từ khía cạnh khác, theo ông Dương, thời gian tới, những thách thức từ cuộc chiến này có thể còn phức tạp hơn, đặc biệt là việc quản lý dòng vốn, cần chú ý đến khả năng hấp thụ dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. “10 năm trước, chúng ta đã từng chứng kiến dòng vốn lớn đổ vào Việt Nam mà không thể hấp thụ tốt nên đã gây ra tình trạng thừa cung tiền, gây lạm phát ở mức cao và một số hệ lụy khác chưa thể đong đếm cụ thể”, ông Dương nói.

Tin cùng chuyên mục