Chiều 15/4, khai mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu khai mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 4 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về 3 nhóm vấn đề với 18 nội dung, cũng như cho ý kiến bằng văn bản với 3 nội dung.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trong đó có xem xét đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân).

“Sau khi Đảng đoàn Quốc hội có đề án tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội thì có đề xuất sớm sửa đổi bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự án luật này được giao cho Hội đồng dân tộc chủ trì và đến nay đủ điều kiện trình cho ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

5 dự án luật dự kiến lần đầu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới cũng được cho ý kiến tại phiên họp lần này, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 3 nội dung, trong đó có cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” cũng sẽ được cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết số 43 là gói tổng thể tài khoá, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp gắn với việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về một số công trình quan trọng quốc gia. Nội dung giám sát tối cao dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và là trọng tâm của công tác giám sát.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Đây là chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp thứ 32, đoàn giám sát sẽ hoàn thiện để báo cáo chính thức tại phiên họp sau của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các tờ trình, báo cáo của Chính phủ: Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023.

Tờ trình số 112/TTr-CP ngày 28/3/2024 của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Về nội dung được xem xét, quyết định theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Tờ trình số 01/TT-CTN ngày 1/3/2024 của Chủ tịch nước về việc ký Hiệp ước vay giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) cho Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về 3 nhóm vấn đề với 18 nội dung, cũng như cho ý kiến bằng văn bản với 3 nội dung

Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về 3 nhóm vấn đề với 18 nội dung, cũng như cho ý kiến bằng văn bản với 3 nội dung

Xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Báo cáo số 71/BC-CP của Chính phủ về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/1/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá XV; Báo cáo số 71/BC-CP của Chính phủ về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/1/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2024; việc tổ chức lại Trung tâm tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với: Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14.

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An…

Tin cùng chuyên mục