Việc đưa vào HSMT những điều kiện có lợi cho nhà thầu ruột vẫn diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Lê Tiên |
Chưa đấu thầu đã biết trước kết quả
Gần đây, một số nhà thầu trong lĩnh vực in ấn phản ánh, nhiều chủ đầu tư cố tình đưa vào trong HSMT những điều kiện khá lắt léo, mà chỉ nhà thầu đã được chủ đầu tư chỉ định từ trước mới có thể đáp ứng được, còn những nhà thầu khác thì chỉ biết… ngán ngẩm lắc đầu.
Một nhà thầu cho biết, có những gói thầu in ấn, phân phối tờ rơi, áp phích vốn là những hạng mục khá đơn giản, không có tính đặc thù so với các đơn vị, ngành nghề khác. Tuy nhiên, không ít lần, chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm là “ít nhất có 3 hợp đồng cung cấp dịch vụ in và phân phối tài liệu, tờ rơi, áp phích” và phải là hợp đồng với “đơn vị y tế dự phòng X”.
Ở một gói thầu khác liên quan đến lĩnh vực in sách, một nhà thầu phản ánh, chủ đầu tư đưa ra điều kiện là nhà thầu phải có “số lượng cán bộ chuyên ngành biên tập, xuất bản sách nhà nước và pháp luật >= 20; số năm hoạt động trong lĩnh vực biên tập, xuất bản, sách nhà nước và pháp luật >= 50 năm; có bằng khen và giấy khen về lĩnh vực biên tập, xuất bản sách nhà nước và pháp luật; số lượng hợp đồng tương tự xuất bản với chủ đầu tư thời gian 3 năm 2013, 2014, 2015 >= 20”. Theo bình luận của nhà thầu, điều kiện này cho thấy rõ chủ đầu tư đã “đặt gạch” cho 1 nhà thầu ruột nào đó.
Một điều kiện oái oăm khác của chủ đầu tư đưa là nhà thầu phải có “xưởng sản xuất tại địa phương A, địa phương B”… Và còn muôn vàn chiêu trò nữa, thậm chí có trường hợp, một chuyên gia tư vấn đấu thầu giàu kinh nghiệm cho biết, gói thầu mua ghế một hội trường chỉ có giá trị khoảng 4 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu phải có doanh thu 100 tỷ đồng?
Nguyên nhân vì đâu?
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho rằng, việc cài cắm điều kiện trong HSMT là chuyện không mới. Để chấn chỉnh và giải quyết triệt để tình trạng trên thì phải tìm ra đâu là nguyên nhân, đâu là gốc rễ sâu xa của vấn đề. Liệu pháp luật đã quy định chặt chẽ và kín kẽ hay chưa, có sơ hở gì không; chế tài đối với những hành vi vi phạm đã thực sự đủ nghiêm minh, đủ mạnh, sức răn đe đối với những người có ý đồ làm sai hay chưa… còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Nhưng dù luật pháp có chặt chẽ và đầy đủ đến đâu thì điều quan trọng nhất là các chủ đầu tư có thực sự chí công, vô tư, đặt lợi ích chung lên trên hay không.
Có vị chuyên gia lại cảm thán: “Ngân sách Nhà nước là tiền thuế của nhân dân. Nếu cuộc thầu thất bại, không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu là cạnh tranh, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế thì người chịu thiệt là người dân, chủ đầu tư thật sự của các dự án đầu tư công”.
Nhiều nhà thầu có chung một nhận định: “Những tình huống như trên thì gần như nhà thầu nào cũng gặp ít nhất một lần”. Nhưng khi được hỏi nếu gặp phải những HSMT như trên thì nhà thầu sẽ phản ứng như thế nào, không ít nhà thầu trả lời thẳng thắn thừa nhận rằng sẽ rút lui, chịu thua thiệt. “Khi tham gia đấu thầu một gói thầu nào đó, nếu cảm nhận thấy gói thầu đó có vấn đề, đã được sắp đặt từ trước thì chúng tôi xác định là nếu có tham gia thì cũng không trúng nên thường lựa chọn rút lui, chấp nhận thua thiệt”, ông Hoàng Ánh Dương ngậm ngùi.
Một nhà thầu khác cho biết: “Mỗi doanh nghiệp có một năng lực nhất định về thiết bị, về tri thức, mối quan hệ, nguồn lực…, nên chúng tôi sẽ tìm cơ hội khác”. Nhưng có một vấn đề đáng quan tâm là, con đường đi tìm cơ hội khác phải chăng lại dựa vào mối quan hệ thân quen, “đi đêm” với chủ đầu tư?