Chính phủ hành động đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêu cho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể; đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023. Ảnh: Đức Trung
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023. Ảnh: Đức Trung

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023 diễn ra chiều ngày 14/6 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng phát triển với những tư duy để mới, tầm nhìn mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhưng cụ thể tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết đã đề ra hệ thống 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, đồng thời cũng là những nội dung trọng tâm làm cơ sở để đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo đã được lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ với đa số các thành viên Chính phủ đồng ý. Hiện Bộ KH&ĐT đang tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, trong dự thảo Chương trình hành động, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêu cho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể; đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030. Các nhiệm vụ, giải pháp giao cho từng cấp, từng ngành kèm theo thời hạn hoàn thành, phân định rõ ràng trách nhiệm, dễ theo dõi, giám sát và đánh giá.

Cụ thể, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với 3 trọng tâm.

Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo.

Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững.

Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới. Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc và hội nhập quốc tế.

Tin cùng chuyên mục