Tàu chở hàng hóa neo tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 7/10, Chính phủ Nhật Bản đã hạ mức đánh giá về tình hình kinh tế nước này từ tháng 1-8, theo đó nhận định nền kinh tế “xấu đi” lần đầu tiên trong bốn tháng qua, trong bối cảnh có các quan ngại về khả năng việc tăng thuế tiêu dùng vào đầu tháng này sẽ khiến các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng cụm từ "xấu đi" khi đánh giá tình hình kinh tế nước này trong tháng Ba và tháng Tư vừa qua, nhưng sau đó đã nâng mức đánh giá, cho rằng xu hướng giảm sút đã ngưng vào tháng Năm và hai tháng tiếp sau đó.
Cụm từ “xấu đi” thể hiện nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này có nguy cơ cao rơi vào suy thoái, do đó các nhà phân tích hoài nghi về lập trường của Chính phủ Nhật Bản rằng nền kinh tế nước này đang hồi phục ở mức độ vừa phải nhờ nhu cầu nội địa vững chắc.
Từ ngày 1/10 vừa qua, thuế tiêu dùng ở Nhật Bản đã tăng từ 8% lên 10%, trong bối cảnh chính phủ nước này đang phải cố gắng để trang trải chi phí an sinh xã hội đang ngày càng phình to do tốc độ dân số già hóa nhanh chóng. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng trong bốn năm qua sau hai lần trì hoãn.
Nhiều người đã bày tỏ quan ngại về triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới vì việc tăng thuế tiêu dùng có thể tác động tiêu cực tới chi tiêu tiêu dùng cá nhân - một yếu tố quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang chậm dần do ảnh hưởng của tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết quả thăm dò dư luận Nhật Bản vào cuối tuần qua của hãng tin Kyodo News cho thấy gần 71% người được hỏi đã bày tỏ “lo ngại” hoặc “lo ngại ở mức độ nhất định” về các tác động tiêu cực của việc tăng thuế tiêu dùng đối với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, gần 75% người được hỏi cho biết họ sẽ không cắt giảm chi tiêu sau khi thuế tiêu dùng tăng, trong khi 24,6% đã cắt giảm chi tiêu./.