Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với tổng kinh phí 17.200 tỷ đồng theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo quyết định phê duyệt, dự án cao tốc thuộc nhóm dự án loại A, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung thực hiện. Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành vào 2026.

Bản đồ hướng tuyến - Đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương
Bản đồ hướng tuyến - Đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km (11 km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; 55 km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng). Tuyến có điểm đầu ở cuối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, giao đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng; và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động.

Từ nay đến năm 2026, tuyến có nền đường rộng tối thiểu 13,5 m với hai làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh từ 2026 - 2035, đường rộng 22 m với bốn làn ô tô và hai làn dừng khẩn cấp.

Để thực hiện Dự án, Lâm Đồng và Đồng Nai phải thu hồi 455 ha đất, trong đó chuyển mục đích sử dụng rừng là 186 ha.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt, dài 208 km, quy mô 4 làn xe, nằm trong Quy hoạch phát triển mạng lưới cao tốc Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030.

Tin cùng chuyên mục