Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nghiêm túc khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Ngày 21/4, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 9 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thông báo nêu, đến hết quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của 9 tỉnh đều chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước (10,35%) và còn hạn chế so với kết quả cùng kỳ năm 2022.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bên cạnh những yếu tố khách quan, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, tập trung vào một số nhóm nguyên nhân như: Thứ nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chưa đầy đủ hoặc chưa rõ ràng, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Thứ hai là cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn bất cập, làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án. Thứ ba là quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm còn phức tạp, cần báo cáo nhiều cấp, nhiều ngành, gây mất nhiều thời gian. Thứ tư là quy trình, thủ tục đầu tư các dự án còn phức tạp, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng. Thứ năm là vướng mắc liên quan đến quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ các dự án đầu tư công, đặc biệt là đất san lấp, cát, sỏi. Thứ sáu là năng lực thực thi của một số cơ quan, đơn vị, nhà thầu còn yếu kém. Thứ bảy là một số nơi còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước cũng như các địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị số 08 ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 71 ngày 23/2/2023, Công điện số 123 ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; thực hiện ngay việc phân bổ 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo hướng phân cấp mạnh hơn cho cấp huyện, cấp cơ sở, tránh dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh theo quy định; kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm giải ngân sang các bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị, dự án có tiến độ giải ngân cao và có tính khả thi; không để tái diễn tình trạng các dự án khởi công mới chậm hoặc không thể giải ngân trước ngày 30/10 hằng năm.

Các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình cả nước nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; chủ động rà soát, lựa chọn một số cơ chế, chính sách để ưu tiên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và quy định hiện hành theo hướng tháo gỡ các "nút thắt", khơi thông các "điểm nghẽn" trong giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, thống nhất trong hệ thống pháp luật...

Tin cùng chuyên mục