Nguồn cung điện đủ, ổn định và đáp ứng yêu cầu xanh hóa là yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Tuấn Anh |
Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có “cơ hội vàng” để thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn, trong đó có Marvell - một trong các DN công nghệ lớn của Hoa Kỳ. Tháng 5/2023, Marvell đã công bố việc thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM. Trung tâm được thành lập trên cơ sở nâng cấp Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM.
Hiện Marvell có khoảng 20 trung tâm nghiên cứu phát triển đặt tại các khu vực trên thế giới. Với việc nâng cấp này, Marvell Việt Nam trở thành 1 trong 4 trung tâm nghiên cứu phát triển mang tầm thế giới của Tập đoàn Marvell (cùng với các trung tâm tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Israel).
“Tôi cho rằng, một trong những vấn đề để Việt Nam thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ cao là phải có hạ tầng tốt, trong đó hạ tầng điện là ưu tiên hàng đầu. Nguồn cung điện đủ và ổn định là cực kỳ quan trọng với các ngành công nghiệp công nghệ cao nói chung, đặc biệt là ngành bán dẫn”, ông Đạm nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Marvell, ngành công nghiệp bán dẫn có 3 giai đoạn chính là thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói. Ở cả 3 giai đoạn, nếu nguồn cung điện không ổn định có thể gây tổn thất nặng nề cho DN, trong đó sản xuất là giai đoạn quan trọng nhất. Chẳng hạn, sự cố động đất ở Đài Loan xảy ra gần đây gây mất điện, khiến ngành sản xuất tổn thất cực kỳ lớn, trong đó, TSMC - công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới đã phải dừng sản xuất.
“Trong bối cảnh mới, muốn giữ chân nhà đầu tư cũng như thu hút được các dòng vốn mới đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam cần có giải pháp duy trì nguồn cung điện không những đủ, ổn định, mà còn phải đáp ứng yêu cầu xanh hóa ngành năng lượng đang lan rộng trên toàn cầu”, Tổng giám đốc Marvell nói.
Hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào tăng trưởng chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư và sản xuất công nghệ cao, ông Johseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhấn mạnh, nếu không có nguồn cung điện ổn định, giá cả phải chăng và bền vững, những mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được.
Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) Hong Sun cũng cho biết, nhiều DN Hàn Quốc đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu điện xảy ra vào mùa hè năm ngoái tại một số tỉnh/thành miền Bắc là một trong những yếu tố khiến họ còn chần chừ đưa ra quyết định đầu tư.
Xóa đi những lo lắng về nguồn cung điện chưa thực sự ổn định, trước các nhà đầu tư quốc tế tại Diễn đàn DN Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết, Việt Nam không để xảy ra tình trạng thiếu điện. Các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay cũng như cả giai đoạn sắp tới. Cụ thể, tháng 5/2023, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được phê duyệt, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam. Quy hoạch nhấn mạnh, phát triển điện lực phải đi trước một bước để tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước với cơ cấu nguồn điện đa dạng, trong đó chú trọng phát triển các nguồn điện sạch (điện gió, điện mặt trời, LNG…).
Đầu tháng 4/2024, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ ban hành với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm nguồn cung ứng điện trong thời gian tới, trong đó nêu rõ danh mục các dự án điện trọng điểm ưu tiên đầu tư.
“Ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần có chính sách tốt để khai thác tiềm năng này, khi đó, nguồn cung điện sẽ ngày càng ổn định. Đây cũng là giải pháp thu hút được dòng vốn chất lượng cao không chỉ đối với ngành bán dẫn, mà còn là giải pháp hóa giải bài toán vốn đầu tư cho ngành năng lượng”, TS. Lê Quang Đạm gợi ý.
Ông Đạm cho hay, Marvell chú trọng về vấn đề môi trường đạt chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị - bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của DN đến cộng đồng). Marvell mong muốn sớm được khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo vào sản xuất để góp phần thúc đẩy xanh hóa sản xuất.
Đồng quan điểm, ông Johseph Uddo nhấn mạnh, một trong những nhu cầu chính của các DN và nhà đầu tư trong tương lai là sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo dễ dàng. Duy trì hệ thống năng lượng hoạt động ổn định là mục tiêu thiết yếu của quản trị năng lượng tốt và cung cấp cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo thuận lợi, dễ dàng sẽ giúp cho đất nước có lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn quốc tế.
Để bảo đảm dòng điện cho sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân, những ngày này, trên các công trường Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I..., các nhà thầu đang vượt nắng, thắng mưa, thi công xuyên lễ, xuyên đêm để đưa công trình về đích.