Chính sách đặc thù phát triển Trung du và miền núi phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, Vùng còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt lên trong thời gian tới.
GRDP của vùng Trung du và miền núi phía Bắc ước tính tăng 6,54% trong quý I/2024, dẫn đầu cả nước. Ảnh: Lê Tiên
GRDP của vùng Trung du và miền núi phía Bắc ước tính tăng 6,54% trong quý I/2024, dẫn đầu cả nước. Ảnh: Lê Tiên

Rà soát 4 nhóm chính sách đặc thù cho phát triển

Qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 96/NQ-CP, đã hoàn thành 5/17 nhiệm vụ, đề án. 12 nhiệm vụ còn lại chưa hoàn thành là các đề án lớn về chính sách đặc thù phát triển Vùng, chính sách về thương mại biên giới, cụm liên kết ngành, quản lý môi trường và chia sẻ nguồn nước… đang được các bộ, địa phương xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thông tin, toàn Vùng đã hoàn thành 3 dự án (cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, tuyến Đoan Hùng - Phú Thọ), đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm của Vùng (như các cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)...). 15 dự án còn lại trong Chương trình hành động đang được các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Vùng đạt 6,53%, cao hơn so với 5 vùng còn lại và bình quân cả nước; đặc biệt là Bắc Giang tăng trưởng cao nhất cả nước (13,5%). Ước tính quý I/2024, GRDP của Vùng tăng 6,54% (dẫn đầu cả nước); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 33 tỷ USD; tuy nhiên, thu NSNN chỉ đạt 26% dự toán, do các nhà máy thủy điện tập trung tích nước những tháng đầu năm, công suất phát điện thấp.

Tuy nhiên, Vùng còn có một số hạn chế, khó khăn trong điều phối, phát triển. Đơn cử, liên kết vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, nhất là hợp tác qua biên giới và hợp tác liên vùng; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ (như hạ tầng logistics, hạ tầng du lịch, cửa khẩu, thương mại biên giới...); chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự hấp dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch Vùng là rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng. Theo đó, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương đề xuất rà soát 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển Vùng, gồm: Nhóm chính sách về phát triển hạ tầng giao thông kết nối; Nhóm chính sách về phát triển cửa khẩu; Nhóm chính sách về quản lý, phát triển tài nguyên rừng, nguồn nước; Nhóm chính sách về an sinh xã hội.

Gắn kết vì lợi ích chung

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đề nghị Hội đồng điều phối vùng xem xét, rà soát, điều chỉnh bổ sung Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tăng điểm tiêu chí, tăng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Vùng trong thời gian tới.

Ngoài ra, ông Quang đề xuất tăng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước trong các dự án đối tác công tư (PPP) lên mức 70% để thu hút đầu tư; xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết từ nguồn thu xuất nhập khẩu đối với các địa phương trên tinh thần giúp các địa phương trong Vùng chủ động được nguồn thu. Đồng thời, có chính sách ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án về giao thông liên vùng. Hội đồng điều phối vùng nghiên cứu xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể trong việc tổ chức sản xuất giữa các tỉnh trong vùng.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh đặt vấn đề, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong lĩnh vực hạ tầng kết nối giao thông bởi vẫn chưa đồng bộ, còn vướng về quy trình thủ tục. Đơn cử, trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án kết nối giao thông, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đa dạng loại đất (đất rừng, công trình trên tuyến, đất qua khu vực di tích văn hóa) còn nhiều vướng mắc; nguồn cung vật liệu còn thiếu...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, Quy hoạch Vùng với cách tiếp cận mới, khoa học, bài bản với 4 trụ cột giải pháp sẽ là định hướng cụ thể, chỉ ra mục tiêu để các địa phương cùng phát triển bền vững. Quy hoạch cũng đưa ra khung khái niệm để tính toán kế hoạch cho từng năm, tính toán giới hạn phát triển, không phát triển tùy thích mà phải có sự gắn kết, vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích chung của toàn vùng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương cần quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, nhất là giữa các địa bàn, địa phương khu vực giáp ranh. Quan tâm phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, đặc trưng riêng của từng địa phương. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính liên kết, kết nối vùng. Các địa phương cũng cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác triệt để chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án 06 Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tin cùng chuyên mục