Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án luật. Ảnh: Lâm Hiển |
13 luật này bao gồm: Luật Hóa chất; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực và Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật Dược; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Đầu tư; Luật An toàn thực phẩm; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đồng thời 13 luật để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành. Việc này cũng góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá, về cơ bản các nội dung sửa đổi, bổ sung các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy so với yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật quy định tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch, đã có nhiều nội dung phát sinh, một số điều, khoản có trong Phụ lục lại chưa được đưa vào dự thảo sửa đổi.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ lưu ý, tiếp tục rà soát kỹ các luật trong Phụ lục III để chỉnh sửa lần cuối vào kỳ họp sau; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Luật Quy hoạch vào cuộc sống sao cho đồng bộ, thống nhất...