Chọn nhà đầu tư xây cầu Thủ Thiêm 4: Không đủ cơ sở để chỉ định thầu

(BĐT) - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có ý kiến mới nhất về chủ trương triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. 
Cầu Thủ Thiêm 4 nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) sang đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7, TP.HCM) với tổng chiều dài khoảng 2.160 m. Ảnh: Hoàng Hải
Cầu Thủ Thiêm 4 nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) sang đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7, TP.HCM) với tổng chiều dài khoảng 2.160 m. Ảnh: Hoàng Hải

Sau hơn 2 năm, dự án này đang được hi vọng sẽ đi đúng quỹ đạo của một dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà cơ quan hoạch định chính sách hướng tới - đem ra đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, dù trước đó Thành phố một mực xin chỉ định thầu. Chuyên gia về PPP cũng khẳng định, Dự án chưa đủ cơ sở để áp dụng chỉ định thầu hay lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Đổi 16 lô đất vàng lấy 1 cây cầu

Trước đó, trong năm 2016, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) sang đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7) với tổng chiều dài khoảng 2.160 m bao gồm 6 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.200 tỷ đồng và được TP.HCM đề xuất triển khai theo hình thức PPP (hợp đồng BT).

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đề xuất được chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án. Diễn giải về nguồn vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cảng, di chuyển thiết bị và các nội dung liên quan khác được TP.HCM cho biết sẽ do nhà đầu tư ứng trước. Phương án hoàn vốn cho công tác di dời cảng Tân Thuận sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng chính quỹ đất tại cảng này và các vị trí khác trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, để thực hiện Dự án, TP.HCM dự kiến đổi 2 khu đất vàng tại Quận 1 và Quận 3, quỹ đất thuộc cảng Tân Thuận cùng với 13 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và quận Thủ Đức cho nhà đầu tư. Đặc biệt, trong 13 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố sẽ dùng 11 lô đất với tổng diện tích gần 100.000m2 với giá trị quyền sử dụng đất ước tính khoảng 3.201 tỷ đồng. UBND TP.HCM cho rằng, số tiền này có thể đủ để cân đối khi thanh toán riêng cho phần xây lắp và thiết bị của cầu Thủ Thiêm 4. Các lô đất còn lại được Thành phố đề xuất để hoàn vốn cho phần kinh phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác khi triển khai Dự án đều được đánh giá là “vàng” và nằm trong vùng lõi trung tâm Quận 1 và Quận 3 với diện tích gần 13.000 m2.

Liên quan đến Dự án, người đứng đầu UBND TP.HCM mới đây đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chịu trách nhiệm công bố công khai thông tin Dự án theo hình thức PPP để các nhà đầu tư quan tâm, đăng ký nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (BCNCTKT). Theo đó, trong trường hợp có từ 2 đơn vị đăng ký nghiên cứu trở lên sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện theo quy định. Thời gian nghiên cứu, lập BCNCTKT tối đa 6 tháng; chi phí việc này do các nhà đầu tư tự cân đối. BCNCTKT đạt kết quả tốt nhất sẽ được lựa chọn, để làm cơ sở tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp chỉ có Liên danh Công ty Phát Đạt - Công ty 620 - Công ty 168 - Công ty IPC quan tâm đăng ký thì giao cho liên danh này lập BCNCTKT Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và di dời cảng Tân Thuận. 

Chỉ định thầu hay áp dụng cơ chế đặc biệt đều thiếu thuyết phục

Theo đánh giá của một chuyên gia về PPP, để đi đến quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 như hôm nay là quá trình kiên định của cơ quan tham mưu chính sách về PPP cho Chính phủ. Bởi ngay từ đầu, và trong suốt thời gian sau đó, TP.HCM luôn muốn được xin cơ chế chỉ định nhà đầu tư cho dự án này.

Sau khi TP.HCM có kiến nghị xin cơ chế đặc thù cho Dự án, Bộ KH&ĐT đã có văn bản bày tỏ ý kiến về những đề xuất này. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, không đủ cơ sở để có ý kiến đối với đề xuất của UBND TP.HCM về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Và để làm rõ những nội dung này, Bộ KH&ĐT đã đề nghị UBND TP.HCM giải trình bổ sung tính đặc thù của Dự án về giải pháp kỹ thuật, tài chính, hiệu quả kinh tế và lý do lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Những giải trình của UBND TP.HCM trong việc xin cơ chế đặc thù cho Dự án sau đó, theo đánh giá là vẫn chưa rõ và chưa đủ sức thuyết phục. Việc lưa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt cho dự án này, theo các chuyên gia là chưa đủ cơ sở.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu nhận định, với một dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn như cầu Thủ Thiêm 4, cần phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu  tư công khai, cần thiết có thể đấu thầu quốc tế để lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực nhất. “Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là cách xây dựng môi trường đầu tư minh bạch nhất mà chúng ta nên hướng tới”, ông Châu đề xuất.

Từ đầu năm 2018, chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM là kiên quyết yêu cầu không trao đất vàng cho các nhà đầu tư dự án BT. Thay vào đó, các khu đất có giá trị sẽ tiến hành đấu giá công khai thu ngân sách, tạo vốn để tái đầu tư. Sở KH&ĐT TP.HCM  nhận định, khi hoàn thiện quy chế riêng về các dự án PPP, đặc biệt là dự án BT của Thành phố, việc triển khai các dự án BT hiện nay sẽ được tháo gỡ những vướng mắc. Và hi vọng khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, TP.HCM sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để Dự án có đủ sức hấp dẫn với mọi nhà đầu tư.