Chọn nhân sự chất lượng cao cho “siêu ủy ban”

(BĐT) - Tương lai của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang đặt yêu cầu đối với quá trình tuyển dụng nhân sự cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) là phải được giám sát chặt chẽ. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ngoài việc không tăng biên chế, công tác tuyển chọn nhân sự cho ủy ban này phải công khai, minh bạch và chọn được người có năng lực để quản lý, phát triển tài sản nhà nước. 

Thành bại phụ thuộc vào quyết định lựa chọn nhân sự

Cho tới thời điểm này, khi mô hình hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã được quyết và xây dựng theo hướng là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý khối lượng tài sản và vốn nhà nước rất lớn tại DN, thì vấn đề tổ chức cán bộ, nhân sự, việc bố trí người vào làm việc tại Ủy ban đang ngày càng “nóng” và được đặc biệt quan tâm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - đơn vị được giao dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban, thì trong quá trình chuẩn bị, đã có sự đánh giá khá cẩn thận về mặt lựa chọn con người, từ việc cần ai, chọn ai, đến nhân sự được chọn phải như thế nào.

“Với trách nhiệm là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN, Ủy ban không chỉ có nhiệm vụ bảo toàn vốn, mà phải bảo đảm sử dụng lượng tài sản nhà nước trong các DN hiệu quả, đúng mục tiêu. Do vậy, sự thành công hay thất bại xung quanh mô hình cơ quan sẽ “có” trong tay hơn 5 triệu tỷ đồng này phụ thuộc rất lớn vào các quyết định lựa chọn nhân sự”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Thực tế, tình trạng gửi gắm con cháu, người nhà vào làm việc, sau đó bổ nhiệm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo tại các DN nhà nước không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, với Uỷ ban, ông Cung cho rằng, sự can thiệp của các bộ, ngành vào DN nhà nước sẽ bị hạn chế, bởi Ủy ban có sự tham gia của tập thể bao gồm đại diện của Chính phủ và các bộ, ngành. Do vậy, muốn đưa ra chính sách có lợi cho DN hay gửi gắm con cháu vào đó cũng không phải dễ dàng.

Theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chịu trách nhiệm trình Chính phủ Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thẩm định trước khi Chính phủ ban hành. Đến thời điểm hiện tại, công việc chuẩn bị đang được các cơ quan này tiến hành khẩn trương. Dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét điều chuyển biên chế ở các cơ quan, bộ liên quan, và quyết định biên chế ở Ủy ban cho phù hợp. 

Công khai, minh bạch trong quá trình tuyển dụng

Qua rà soát lại cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của các bộ để xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban, Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ có 5 Bộ không tiếp tục duy trì Vụ Đổi mới và Phát triển DN. Riêng Bộ Xây dựng sẽ vẫn giữ lại Vụ Quản lý DN vì Bộ không có DN nào chuyển giao về Uỷ ban. Tuy nhiên, vụ này cũng chỉ tồn tại cho đến khi Bộ Xây dựng hoàn thành thoái vốn tại các DN theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và chuyển đại diện chủ sở hữu nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Liên quan đến công tác nhân sự cho Uỷ ban, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban cho biết, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, công tác cán bộ phải tuân thủ Đề án của Bộ Chính trị về thành lập Ủy ban, bảo đảm không tăng thêm biên chế nhà nước. Trước mắt, Uỷ ban sẽ xây dựng Đề án tuyển chọn cán bộ công chức gắn với vị trí việc làm. Với các chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban, mỗi Phó Chủ tịch phải bảo đảm yêu cầu có chuyên môn sâu ở lĩnh vực phụ trách tương ứng và phải được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Với các vị trí việc làm còn lại, yêu cầu chung được đặt ra là những cán bộ có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, đủ năng lực chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ, có thể đảm đương nhiệm vụ được ngay, để bảo đảm công việc không bị đình trệ.

“Công việc tuyển chọn nhân sự được xác định là thực hiện minh bạch, bảo đảm tuyển chọn được người tài trong quản lý, phát triển khối tài sản, vốn của Nhà nước trong đầu tư, kinh doanh”, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan sẽ tập trung, chủ động tuyển chọn, đề xuất lên Ủy ban danh sách cán bộ chất lượng cao của bộ, ngành, lĩnh vực mình để quyết định. Danh sách cán bộ này phải cụ thể, chi tiết về tên tuổi, nghiệp vụ, năng lực, để bảo đảm lựa chọn được cán bộ phù hợp, có đủ năng lực chuyên môn.

Chia sẻ về công tác lựa chọn nhân sự cho Ủy ban, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Tại thời điểm này, việc giám sát quá trình tuyển dụng nhân sự cần phải được đặt ra ngay lập tức. Muốn giám sát được, các tiêu chí tuyển dụng phải được công khai, minh bạch. Kể cả danh sách các cán bộ sau khi tuyển dụng cũng phải được công khai kèm với bảng thành tích quá khứ được lượng hóa. Các cán bộ được tuyển dụng về Ủy ban không thể vì có thâm niên công tác hay có bằng cấp cao, mà phải là đã thực sự làm được gì trong lĩnh vực chuyên môn mà Ủy ban đang tuyển dụng”.