Hầu hết các công trình xây dựng của TP.HCM đều sử dụng nguồn cát khai thác trái phép. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, TP.HCM là thị trường tiêu thụ hầu hết nguồn vật liệu cát toàn miền Nam. Hàng trăm công trình đang thi công liệu có bị ảnh hưởng? Việc giải quyết tận gốc vấn nạn này cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Địa phương đầu tiên đầu tư bài bản
UBND TP.HCM vừa ban hành Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa Thành phố với các tỉnh. Theo TP.HCM, Đề án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn.
TP.HCM sẽ từng bước đầu tư, bổ sung các trang thiết bị phù hợp, đáp ứng đa nhiệm vụ, đa mục tiêu để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra trên sông, trên biển; nghiên cứu sử dụng các thiết bị công nghệ, cập nhật các thành tựu khoa học vào công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Kinh phí thực hiện Đề án (chưa bao gồm kinh phí xây dựng 2 chốt biên phòng trên vùng biển Cần Giờ và 2 chốt biên phòng trên sông Đồng Nai) ước tính là 164,855 tỷ đồng. Rất nhiều thiết bị sẽ được TP.HCM tổ chức mua sắm, đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp như: máy thông tin vô tuyến điện sóng ngắn quân sự công nghệ cao; hệ thống rada hàng hải có chức năng ARPA; đèn pha đánh tín hiệu, tầm quan sát 3 hải lý; đèn báo vật cản ánh sáng trắng, chiếu 360 độ, xa 5 hải lý; đèn pha dùng cho cứu hộ trên biển và chống tập kích từ xa; hệ thống thiết bị quan sát tầm xa ngày và đêm...
Phạm vi thực hiện của Đề án là trên các tuyến sông thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Đồng Tranh, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ. Thời gian thực hiện Đề án từ nay đến hết ngày 31/12/2021.
Việc triển khai Đề án chống “cát tặc” cho thấy quyết tâm của TP.HCM nhằm đẩy lùi tình trạng bất cập trong quản lý, khai thác nguồn vật liệu xây dựng này.
TP.HCM xây dựng 2 năm hết trữ lượng cát miền Nam
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, tình trạng khai thác cát lậu trên địa bàn đang ở mức báo động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh khu vực..., nhất là tại vùng biển Cần Giờ. Nguyên nhân là khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp. Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý do chế tài còn quá nhẹ, quy định lỏng lẻo.
Về trữ lượng cát, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, toàn bộ cát ở miền Nam chỉ đủ cho riêng TP.HCM sử dụng trong 2 năm. Trong khi hiện có quá nhiều công trình sử dụng cát san lấp mà không tính đến nguồn. Sở Xây dựng kiến nghị, cần rà soát lại các mỏ đang đóng không cho khai thác. Trong khi đó, Công an TP.HCM lại quyết liệt hơn với đề xuất “chỉ cấp phép xây dựng khi chủ đầu tư chứng minh nguồn cát san lấp là hợp pháp”.
Từ góc độ địa phương, huyện Cần Giờ đưa ra những con số đáng báo động: năm 2015, các đơn vị phát hiện 12 trường hợp khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, thì năm 2016 tăng lên 26 trường hợp, năm 2017 là 48 trường hợp và năm 2018 lên đến 65 trường hợp.
Không chỉ riêng Cần Giờ, các vùng giáp ranh với Đồng Nai trên các tuyến đường thủy khu vực Quận 2, Quận 9 cũng có tình trạng khai thác cát trái phép.
Với tình trạng khai thác cát như trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời, hiệu quả, con số vi phạm trong năm 2019 có thể lên đến hàng trăm trường hợp.
Để xử lý tận gốc vấn nạn “cát tặc”, TP.HCM cho rằng, cần lập tổ liên ngành cấp tỉnh, thành nhằm kịp thời thông tin, hỗ trợ lẫn nhau xử lý khai thác cát trái phép. Đặc biệt, phải tăng chế tài xử lý, tịch thu phương tiện, truy trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng công an địa phương trước sự lộng hành của “cát tặc”. Đồng thời, để có nguồn nguyên liệu xây dựng thay thế cát, các bộ, ngành cần sớm công bố chuẩn xỉ than tại các nhà máy nhiệt điện cũng như công nghệ xử lý vật liệu này thành vật liệu xây dựng.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, sự quyết liệt của TP.HCM cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. “Hầu hết các công trình xây dựng, kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công trình công ích quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh quốc gia đều sử dụng nguồn cát khai thác trái phép. Nếu chúng ta làm thẳng thừng, quyết liệt thì các công trình này sẽ bị đình trệ, thậm chí cả các công trình trọng điểm quốc gia như đường giao thông, cao tốc, thậm chí dự án lấn biển của huyện Cần Giờ cũng không có hạt cát nào để mà san lấp, thực hiện công trình”, đại diện Công an TP.HCM cảnh báo.