Thép là một trong những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ gian lận xuất xứ. Ảnh: Gia Khoa |
Thủ đoạn gian lận tinh vi
Tổng cục Hải quan cho biết, đang giám sát chặt chẽ lô hàng 2 triệu tấn nhôm trị giá khoảng 4,3 tỷ USD của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu đang lưu giữ tại Bà Rịa - Vũng Tàu với nghi vấn về gian lận xuất xứ.
Trước đó, Cục Hải quan Hải Phòng từng phát hiện một DN chế xuất, 100% vốn nước ngoài có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, DN này nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thực hiện một số công đoạn lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu sang nước thứ ba. Đây là hai trong số nhiều vụ việc có dấu hiện gian lận, giả mạo xuất xứ đã được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, DN có rất nhiều thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa với hai nhóm vấn đề.
Đó là, nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ trong nước. Chẳng hạn, hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó là nhóm hành vi chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Chẳng hạn, DN Việt Nam (bao gồm cả DN FDI) nhập khẩu hàng hóa/nguyên vật liệu, linh kiện, cụm linh kiện để tạo ra hàng hóa xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định.
Về chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, có khó khăn trong việc chứng nhận xuất xứ với hàng hóa, nhiều trường hợp không thể truy đến cùng xuất xứ do DN không phối hợp.
Chẳng hạn, một công ty thép miền Nam xuất khẩu mặt hàng thép sang nước ngoài nhưng nguyên liệu đầu vào lại mua của công ty miền Trung. Khi cơ quan hải quan vào yêu cầu kiểm tra cả công ty miền Trung thì họ từ chối phối hợp xác nhận xuất xứ với lý do là họ mua hàng trong nước, sản xuất tại Việt Nam và bán nội địa, không làm ăn gì với nước ngoài.
Một ví dụ khác là có hiện tượng DN nhập khẩu nhôm dài sau đó bán cho một doanh nghiệp khác trong nước để nấu chảy thành nhôm thỏi. Sau đó, từ nhôm thỏi DN đó lại nấu thành nhôm dài với kích thước gần giống với nhôm nhập khẩu từ ban đầu.
"Về lý thuyết, họ đáp ứng quy tắc xuất xứ trong công đoạn nấu từ nhôm thỏi thành nhôm dài. Nhưng chúng ta cần kiểm tra có đúng là họ nấu từ nhôm thỏi thành nhôm dài hay không? Hay thực tế họ chỉ cắt nhôm dài thành nhiều đoạn khác nhau?", bà Hiền phân tích.
Kiến nghị chấm dứt cấp giấy tờ không phù hợp
Trước những khó khăn trong giám sát xuất xứ hàng hóa, ông Âu Anh Tuấn cho biết, cơ quan hải quan đã đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh phòng chống gian lận xuất xứ. Đáng chú ý, cơ quan này đã kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm về xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng kiến nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) siết chặt công tác quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định, đồng thời, thực hiện kiểm tra thực tế quy trình sản xuất trước khi cấp chứng nhận xuất xứ hoặc thực hiện dừng cấp với các DN có hành vi gian lận xuất xứ. “Chúng tôi cũng kiến nghị VCCI chấm dứt việc cấp các giấy tờ không phù hợp với thông lệ quốc tế, pháp luật không cho phép như Giấy chứng nhận về quy trình sản xuất hoặc nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung này, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan đã đánh giá thực trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, phối hợp cùng các bộ, ngành để kiến nghị các giải pháp phù hợp.
“Đáng chú ý, theo đánh giá từ phía Mỹ, Việt Nam nổi lên là thị trường có nguy cơ về gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Do đó, thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ tiến hành rà soát, đánh giá năng lực sản xuất của từng DN tham gia hoạt động xuất khẩu sang Mỹ để phân tích rủi ro và lựa chọn DN cần kiểm tra”, ông Thành nhấn mạnh.