Nhiều sai lầm trên thị trường chứng khoán phải trả giá bằng... tiền phạt |
Theo một thông báo được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cơ quan này cho biết đã ra quyết định xử phạt lên tới 550 triệu đồng đối với một nhà đầu tư cá nhân là ông Vũ Thái (địa chỉ tại Đống Đa, Hà Nội).
Ông Thái được cho là đã sử dụng 16 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch khớp đối ứng giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CEN của Công ty cổ phần Cencon Việt Nam, nay là Công ty Dịch vụ Hàng không CENCON Việt Nam (giao dịch trên UPCoM với mã CEN).
Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ cũng như xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm, UBCKNN cho biết không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Vũ Thái.
Ngoài ông Vũ Thái, một số tổ chức, cá nhân khác cũng “dính” phạt và phải ngậm ngùi chồng tiền nộp phạt. Có thể kể đến trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh (có địa chỉ tại Ba Đình, Hà Nội) bị phạt 62,5 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng.
Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh (địa chỉ tại số 1 đường Cái Lân, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị phạt tới 350 triệu đồng do lỗi không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Được biết, doanh nghiệp này trở thành công ty đại chúng trước ngày 1/1/2016 (thời điểm Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết có hiệu lực), tuy nhiên, đến nay, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng đối với Công ty chứng khoán VNDirect do không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.
Chưa hết, công ty này còn bị phạt 60 triệu đồng do bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
Một doanh nghiệp khác trong ngành chứng khoán cũng bị phạt tương đối nặng là Công ty chứng khoán SmartInvest. Với 5 vi phạm, doanh nghiệp này bị phạt tổng cộng 350 triệu đồng. Trong đó, lỗi nặng nhất là bị phạt tiền 100 triệu đồng do công ty chứng khoán này vi phạm quy định về giao dịch ký quĩ chứng khoán. Đến ngày 9/1, công ty có báo cáo khắc phục vi phạm về giao dịch ký quỹ.
Bên cạnh đó, SmartInvest còn bị phạt tiền 50 triệu đồng với hành vi bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
Với lỗi không thiết lập, duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ, Chứng khoán SmartInvest bị xử phạt 70 triệu đồng và còn bị phạt 60 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn.
Trong dịp này, Chánh Thanh tra cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, phạt 70 triệu đồng đối với công ty này vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Hàng loạt tài liệu quan trọng của Hội đồng quản trị Hà Đô từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2018 về các nội dung liên quan đến hợp đồng xây dựng không được doanh nghiệp này công bố đúng tời hạn.
Hà Đô cũng công bố thông tin chậm trễ với thông báo ngày đăng ký cuối cùng tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 và thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành năm 2019.
Được biết, trước đó, trong năm 2019, UBCKNN đã triển khai 79 đoàn thanh kiểm tra gồm 17 đoàn thanh tra, 43 đoàn kiểm tra định kỳ, 19 đoàn kiểm tra đột xuất. Qua đó, ban hành 461 quyết định xử phạt hành chính đối với 312 cá nhân, 149 tổ chức với tổng số tiền phạt là 28,5 tỷ đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 6 trường hợp. Từ đó số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong năm 2019 là 3,76 tỷ đồng.