Nguyên tắc quản lý đầu ra đối với các dự án PPP buộc nhà đầu tư phải quản lý hiệu quả chi phí dự án, lựa chọn nhà thầu bảo đảm năng lực . Ảnh: Lê Tiên |
Theo nhiều ý kiến, nếu thay đổi cách thức quản lý dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo tiêu chuẩn đầu ra thì đây sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.
Theo tổng hợp của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hợp đồng BOT trong giai đoạn vừa qua chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu và tự thực hiện. Vấn đề này đã gây ra nhiều lo ngại. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nhà đầu tư BOT có thể lợi dụng việc này để tăng chi phí trong quá trình thực hiện dự án và động cơ của nhà đầu tư sẽ nhắm nhiều vào hưởng lợi trong quá trình xây dựng dự án, chứ không phải là thu hồi vốn trong quá trình khai thác sau này.
Ứng xử với vấn đề này như thế nào là vấn đề được quan tâm, vì nếu Nhà nước can thiệp quá sâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Ông David Ng, chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm tư vấn nhiều dự án PPP lớn trên thế giới chia sẻ, thông lệ quốc tế hồ sơ mời thầu đưa ra yêu cầu nhà đầu tư phải cung cấp danh sách các nhà thầu dự kiến sẽ lựa chọn để thực hiện các công việc của dự án, từ xây lắp, vận hành, cung cấp hàng hóa… Các nhà đầu tư khi tham gia đấu thầu phải nêu danh sách nhà thầu trong hồ sơ dự thầu và đây là một tiêu chí đánh giá quan trọng trong xét thầu. Hợp đồng PPP được ký giữa Nhà nước và doanh nghiệp dự án có điều khoản không được thay đổi các nhà thầu đã kê. Điều này bảo đảm cơ quan nhà nước có thể đánh giá, thẩm định được đầy đủ năng lực của nhà thầu triển khai dự án, tránh những rủi ro về chất lượng nhà thầu sau này.
Đối với Việt Nam, để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có năng lực, Luật Đấu thầu và Nghị định 15/2015/NĐ-CP và nay là Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã có quy định về việc lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư PPP. Theo đó, Điều 48 Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp và các nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế để áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện dự án.
Theo một chuyên gia về đấu thầu, nếu nhà đầu tư thực hiện lựa chọn nhà thầu theo đúng tinh thần công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế như quy định thì sẽ hạn chế được tình trạng lựa chọn nhà thầu chưa đáp ứng năng lực như thời gian qua. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, vấn đề quản lý công tác lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư chỉ giải quyết phần ngọn, gốc của vấn đề vẫn là phải lựa chọn được nhà đầu tư BOT đủ năng lực qua đấu thầu cạnh tranh, minh bạch và thay đổi cách tiếp cận về quản lý dự án BOT.
Ông Trần Duy Dưng, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Monitor - một trong những đơn vị tiên phong trong cung cấp dịch vụ tư vấn về các dự án PPP tại Việt Nam - cho biết, theo thông lệ quốc tế, việc quản lý hoạt động đầu tư của các dự án PPP theo nguyên tắc quản lý đầu ra trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Giá trị công trình ghi trong hợp đồng dự án là giá trị cuối cùng, chứ không phải dựa vào quyết toán sau khi nhà đầu tư thực hiện công trình xong. Nhà đầu tư phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu.
Nếu như theo cách tiếp cận này, nhà đầu tư buộc phải tự quản lý chi phí dự án hiệu quả nhất, và muốn vậy, nhà đầu tư phải lựa chọn nhà thầu tốt, bảo đảm năng lực, thực hiện dự án nhanh, hiệu quả.