Chốt kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026 - 2031) được tinh gọn gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ) và 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ).
Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ngày 5/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 (Ban Chỉ đạo) ký ban hành Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Giảm 5 bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ

Ban Chỉ đạo yêu cầu thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với mục tiêu giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị), không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhất các bộ.

Theo yêu cầu, tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo sẽ được rà soát lại theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Một nhiệm vụ khác được đề ra là sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan đề xuất và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; hướng dẫn xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn.

Về định hướng kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ban Chỉ đạo dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026 - 2031) được tinh gọn gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ) và 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ).

Dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ

Dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ

Dự kiến tên gọi mới của các bộ sau hợp nhất

Ban Chỉ đạo đưa ra phương án duy trì 8 bộ, cơ quan ngang bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

"Việc đề xuất duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ nêu trên là cần thiết, bảo đảm tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay", Kế hoạch nêu rõ.

14 bộ, cơ quan ngang bộ thuộc diện cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất, cụ thể như sau:

- Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

- Hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị.

- Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.

- Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.

- Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động. Đồng thời, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.

- Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi kết thúc hoạt động Ban này); đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý Nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

- Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khi kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội).

- Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.

- Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo nêu phương án kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

- Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan

- Sắp xếp 2 Viện Hàn lâm khoa học và 2 Đại học Quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo

Đối với 2 Viện Hàn lâm:

Phương án 1 là hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

Phương án 2 là duy trì 2 Viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.

Đối với 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP.HCM):

Đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý.

- Kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

- Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện sắp xếp, tinh gọn, giảm mạnh đầu mối tổ chức bộ máy bên trong và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.

- Chuyển Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.

- Cơ cấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Với báo, tạp chí, Ban Chỉ đạo đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị này, bảo đảm mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ có 1 cơ quan báo (gồm: báo in, báo điện tử và Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và 1 tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước). Trong quá trình sắp xếp các bộ, trường hợp có 2 báo đang tự chủ chi thường xuyên trở lên thì trước mắt duy trì và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ quan báo chí theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy.