Hỏi: Dự toán gói thầu được lập tuân thủ đúng theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, khi phê duyệt dự toán, chủ đầu tư đã quyết định giảm trừ 5% giá trị dự toán với lý do để bảo đảm cạnh tranh và tiết kiệm kinh phí trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Việc chủ đầu tư phê duyệt dự toán gói thầu như trên có phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành hay không?
Trả lời: Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Điều 35 Khoản 2) quy định giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 117 Khoản 2) quy định trường hợp dự toán được phê duyệt của gói thầu cao hơn hoặc thấp hơn giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì dự toán đó sẽ thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Như vậy, theo quy định nêu trên, thì dự toán gói thầu phải được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Do đó, việc giảm trừ 5% giá trị dự toán sau khi đã được tính đúng, tính đủ là chưa phù hợp với quy định nêu trên.
Tiết kiệm chi phí trong đấu thầu là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp với mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, song phải bảo đảm không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu. Để đạt được mục tiêu tiết kiệm chi phí trong đấu thầu thì quan trọng là phải xem xét, kiểm soát ngay từ bước lập thiết kế, dự toán gói thầu. Nếu dự toán được lập chính xác, đầy đủ, sát với thiết kế, phù hợp với giá cả thị trường thì cũng sẽ giúp tiết kiệm được chi phí mà vẫn bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện gói thầu. Ngoài ra, quan trọng là phải tạo được môi trường đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh, bình đẳng giữa các nhà thầu, từ đó sẽ lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu với giá cạnh tranh.