Chủ động bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, hoá chất phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh sau mưa bão, lũ lụt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 12/9, nước trên các con sông ở khu vực phía Bắc đã bắt đầu rút dần. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa hết lo vì sẽ tiếp tục phải đối với nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ, ngập lụt như: đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, bệnh ngoài da… Do đó, việc cần thiết phải làm lúc này là phải khẩn trương cung ứng đủ thuốc phục vụ việc phòng chống (PC) dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh sau bão lũ.
Để khắc phục hậu quả do bão Yagi và hoàn lưu bão gây lũ lụt, nhiều địa phương đang cần hỗ trợ hóa chất phun khử khuẩn môi trường Cloramin B để phòng, chống dịch bệnh
Để khắc phục hậu quả do bão Yagi và hoàn lưu bão gây lũ lụt, nhiều địa phương đang cần hỗ trợ hóa chất phun khử khuẩn môi trường Cloramin B để phòng, chống dịch bệnh

Tại Công điện 1101/CĐ-BYT ngày 5/9/2024, Bộ Y tế cũng yêu cầu, 24 Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, bên cạnh việc tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, còn phải bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ PC thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức vệ sinh môi trường, PC dịch bệnh, bảo đảm công tác an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Công điện nêu rõ, các Sở Y tế phải thường xuyên báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng bảo đảm của địa phương về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Để bảo đảm nguồn cung thuốc phục vụ việc PC dịch bệnh, khám chữa bệnh (KCB) sau mưa bão lũ, Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế cũng vừa có văn bản đề nghị các Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu PC dịch bệnh; đặc biệt bảo đảm cơ số thuốc phục vụ công tác PC dịch bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế; tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc.

“Để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong PC dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên, xem xét giải quyết theo quy định các đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành”, Cục Quản lý dược nhấn mạnh.

Đồng thời, Cục Quản lý dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn chủ động lập danh sách các thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời lên kế hoạch, đặt hàng và mua sắm bổ sung, dự trữ, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ các tình huống y tế bị ảnh hưởng do bão, lũ, dịch bệnh.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo PC thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Sở Y tế, các địa phương đang khẩn trương triển khai tích cực các phương án xử lý tình huống y tế cấp bách, khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi và hoàn lưu bão theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Văn phòng thường xuyên túc trực để bám sát, tổng hợp tình hình cập nhật ở các địa phương do Sở Y tế báo cáo để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi và hoàn lưu bão, Sở Y tế Hà Nội đã ra nhiều công văn chỉ đạo các cơ sở KCB; cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn Thành phố bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho công tác PC bệnh, dịch có thể phát sinh trong mùa mưa bão, lũ lụt.

Cập nhật với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Bệnh viện đã lên các kịch bản thiên tai, tương ứng với các kịch bản đó là các biện pháp ứng phó phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau lũ trên địa bàn. Một trong những ưu tiên hàng đầu là chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hoá chất, thiết bị y tế. Trước diễn biến mưa bão, nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt, Bệnh viện cũng đã lên phương án di dời bệnh nhân, máy móc, thiết bị phục vụ công tác KCB ở tầng 1 lên tầng cao. "Không chỉ trong Bệnh viện, mà chúng tôi còn chuẩn bị các tình huống cấp cứu ngoại viện; đồng thời hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới theo sự phân công của Sở Y tế", ông Thường cho biết.

Trong bối cảnh bão Yagi và hoàn lưu bão gây ra, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu, chủ đầu tư có thể áp dụng chỉ định thầu rút gọn mà không phải phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT) để triển khai ngay việc mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế để phục vụ công tác PC dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở KCB trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ người dân; cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu mà cơ sở KCB không có đủ thuốc…

“Hiện nay, công tác mua sắm của Bệnh viện khá thuận lợi vì đã có đủ hàng lang pháp lý trong LCNT. HĐND Thành phố đã phân cấp hoàn toàn thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công (trừ tài sản là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố) cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Do đó, chúng tôi chủ động hơn trong việc mua sắm phục vụ KCB nói chung và mua sắm cấp bách phục vụ công tác PC dịch bệnh sau mưa bão, lũ lụt với thủ tục đơn giản, nhanh chóng”, ông Thường cho hay.

Thực tế, ngày 12/9/2024, Trung tâm Y tế (TTYT) Ba Vì phê duyệt quyết định chỉ định rút gọn Công ty CP Đầu tư liên doanh Việt Anh thực hiện Gói thầu Mua hóa chất PC dịch bệnh năm 2024. Mặt hàng trúng thầu gồm có: hoá chất VIAPER 50EC (hoá chất diệt muỗi, diệt côn trùng sử dụng trong lĩnh vực y tế Permethrin 50%; VIATEPHOS (chai 1 lít); CHLORAMINE B (Clorine hoạt tính 25%, Clorin Thùng 25kg).

Tại Quảng Bình, TTYT huyện Minh Hóa cũng vừa phê duyệt kế hoạch LCNT theo hình thức chào hàng cạnh tranh Gói thầu Mua sắm thuốc generic phục vụ công tác PC bão lụt và PC dịch năm 2024 của Trung tâm với dự toán 375,999 triệu đồng với 25 mặt hàng thuốc. Danh mục thuốc gồm có: thuốc Paracetamol (acetaminophen), Alpha Chymotrypsin, Cefalexin, Metronidazol, Amoxicilin, Coprofloxacin…

Do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt quá lớn và bất ngờ, nằm ngoài dự kiến, nên đến nay, một số Sở Y tế đã có báo cáo gửi về Bộ Y tế đề nghị Trung ương hỗ trợ. Đơn cử như ngày 10/9/2024, Sở Y tế tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ chuyên môn trong điều trị các bệnh nhân nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão. Đồng thời, hỗ trợ hóa chất phun khử khuẩn môi trường Cloramin B với số lượng 2.700 kg; viên khử khuẩn nước ăn uống sinh hoạt (Aquatab 67mg) với số lượng 3.000.000 viên…

Cập nhật đến ngày 12/9/2024, Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hàng hoá dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho 8 địa phương, trong đó có Lào Cai, Yên Bái…

Tin cùng chuyên mục