Chủ động kiểm soát lạm phát năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Diễn biến lạm phát thế giới có tín hiệu tích cực nhờ xu hướng giảm nhiệt tại Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đối với Việt Nam, nỗi lo mặt bằng giá cả hàng hóa tăng cao vẫn là yếu tố cần xem xét thận trọng khi tính toán chính sách điều chỉnh giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cân đối cung cầu thị trường và điều hành chính sách tiền tệ.
Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,2 - 4,98%. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,2 - 4,98%. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021, giảm so với mức 7,1% trong tháng 11/2022 và thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 9,1% vào tháng 6/2022.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, việc lạm phát Mỹ giảm tốc trong tháng cuối năm là tín hiệu tích cực với kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác. Dù vậy, vẫn chưa thể chủ quan với rủi ro lạm phát trong năm tới.

Đối với Việt Nam, theo ông Độ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ rất thận trọng với điều hành chính sách, tiền tệ trong định hướng ưu tiên kiểm soát lạm phát.

“Trong khi yếu tố tiền tệ được chú trọng, áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục… Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% là khả thi”, ông Độ nói.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), diễn biến giá cả trong thời gian tới có khả năng chịu tác động cả trực tiếp và gián tiếp từ một số yếu tố.

Đó là xu hướng tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm thế giới vẫn diễn biễn phức tạp, gián đoạn chuỗi cung ứng còn hiện hữu. Bên cạnh đó là áp lực từ độ trễ của các chính sách kích thích kinh tế triển khai trong năm 2021 - 2022, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, việc tăng lương và lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể gây thêm áp lực đối với lạm phát.

Xu hướng tăng giá nguyên vật liệu thế giới vẫn diễn biễn phức tạp, sẽ tiếp tục được phản ánh vào giá các mặt hàng trong nước. Ảnh: Tiên Giang

Xu hướng tăng giá nguyên vật liệu thế giới vẫn diễn biễn phức tạp, sẽ tiếp tục được phản ánh vào giá các mặt hàng trong nước. Ảnh: Tiên Giang

Ông Dương khuyến nghị, để kiểm soát tốt lạm phát trong năm 2023, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, cần theo dõi sát diễn biến tỷ giá cũng như giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá gắn với các công cụ chính sách khác một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu, cân nhắc thời điểm và liều lượng điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá…

Từ góc độ cơ quan điều hành giá, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,2 - 4,98% với 3 kịch bản.

Ở kịch bản 1, giả định giá xăng dầu giảm 5%; giá lương thực, thực phẩm tăng 3%; giá điện sinh hoạt tăng 5%; giá vật liệu xây dựng tăng 5%; giá dịch vụ giáo dục tăng 15%; giá dịch vụ y tế tăng 4%..., CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,2% so với năm 2022.

Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong giai đoạn 2020 - 2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất, từ đó tác động vào giá các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả.

Theo kịch bản 2, giả định giá xăng dầu giữ ổn định; giá lương thực, thực phẩm tăng 5%; giá điện sinh hoạt tăng 7%; giá vật liệu xây dựng tăng 6%; giá dịch vụ giáo dục tăng 18%; giá dịch vụ y tế tăng 6%..., CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,55% so với năm 2022.

Với kịch bản 3, giả định giá xăng dầu tăng 3%; giá lương thực, thực phẩm tăng 5%; giá điện sinh hoạt tăng 8%; giá vật liệu xây dựng tăng 6%; giá dịch vụ giáo dục tăng 20%; giá dịch vụ y tế tăng 6%..., CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,98% so với năm 2022.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định, không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023. Theo đó, dù lạm phát trong nước đang được kiểm soát, song áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023. Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong giai đoạn 2020 - 2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất, từ đó tác động vào giá các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả.

Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.