Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để không lỡ nhịp hồi phục kinh tế, các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Song, xu hướng lạm phát tăng cao ở nhiều nước và dự báo ở mức cao với Việt Nam có thể làm giảm dư địa thực hiện chính sách kích cầu. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các kịch bản ứng phó phù hợp để vừa bảo đảm hỗ trợ kinh tế hồi phục, vừa giữ lạm phát ở mức phù hợp.
Bộ Tài chính đang tính toán gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20 nghìn tỷ đồng giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính đang tính toán gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20 nghìn tỷ đồng giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Ảnh: Lê Tiên

Theo tính toán, năm 2021, quy mô các chính sách hỗ trợ vượt qua khó khăn do dịch bệnh khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP. Đây là con số tương đối thấp nếu so sánh với gói hỗ trợ kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới. Với diễn biến kinh tế từ đầu năm đến nay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.

Về gói kích thích kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang tính toán gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20 nghìn tỷ đồng giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, nhưng có đủ điều kiện vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là thực hiện Đề án phát hành công trái, huy động ngoại tệ trong nước, huy động tiền trong dân.

Trong khi đó, một số ý kiến lo ngại, cùng với đà tăng giá cả hàng hóa mạnh hiện nay, gói kích thích kinh tế có thể đẩy lạm phát cao hơn.

Liên quan nội dung này, ngay từ đầu tháng 11/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản chỉ đạo về việc kiểm soát lạm phát. Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, diễn biến giá năng lượng toàn cầu ở mức cao khó lường là áp lực rất lớn trong những tháng cuối năm, sẽ tạo áp lực rõ ràng cho năm 2022.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung. Qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để phát triển kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam thực hiện các gói kích thích kinh tế chậm và nhỏ hơn nhiều nước trên thế giới. Thực tiễn áp dụng ở các nước, rõ rệt nhất là Mỹ và Trung Quốc cho thấy, các quốc gia này đang trải qua giai đoạn lạm phát ở mức cao, giá cả tăng mạnh. Do đó, một số nước đã tính đến chuyện thu hẹp gói kích thích kinh tế, tăng lãi suất điều hành song vẫn để ngỏ thời điểm thực hiện, bởi lẽ mối lo suy giảm kinh tế đáng ngại hơn so với mối lo lạm phát. Đó cũng là bài toán đáng cân nhắc khi Việt Nam đang tính toán thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn trong năm 2022 và 2023.

“Con số 20 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất như dự tính của Bộ Tài chính tương ứng với dư nợ vay gần 700 nghìn tỷ đồng. Cùng với các gói kích thích kinh tế khác, số tiền đổ ra cho nền kinh tế có thể lên đến hàng triệu tỷ đồng. Đây là một số tiền rất lớn so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế hiện nay. Dù sẽ có độ trễ song nguy cơ lạm phát cao trong năm 2022 là rất lớn”, ông Thịnh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng các chỉ số vĩ mô khác, khiến thị trường tài chính và tiền tệ bị xáo trộn, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, phải hết sức tính toán, cân nhắc, có các kịch bản ứng phó phù hợp với diễn biến. Hay nói cách khác, có thể đưa ra chính sách ở dạng khung, khi thực hiện có thể linh hoạt điều tiết theo diễn biến của các chỉ số cân đối vĩ mô và tình hình thực tế.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy đã kích cầu kinh tế thì phải chấp nhận lạm phát. Do đó, điều có thể làm là dự báo trước và ứng phó khi có biến động bất lợi. Mặt khác, khi đã tính nâng trần nợ công, nới bội chi thì phải tính toán lại cả chỉ số CPI định hướng theo lượng cung tiền, mức 4% trong bối cảnh kinh tế như năm sau và gói kích thích kinh tế như vậy là không còn phù hợp.

“Hơn hết, cần có các giải pháp quản trị rủi ro trong thực thi bảo đảm các cân đối lớn, tính toán và xác định mức bội chi, nợ công, lạm phát phù hợp cho giai đoạn phục hồi, theo dõi sát diễn biến giá cả. Đồng thời, giám sát chặt chẽ, kịp thời, đầy đủ và chính xác diễn biến nợ xấu trong nền kinh tế để có phương án xử lý thích hợp”, ông Long nhấn mạnh.