Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu dự án du lịch không làm hàng rào che chắn biển

Ông Huỳnh Đức Thơ nói khi điều chỉnh quy hoạch sẽ mở "một số lối xuống biển rộng rãi ở Nam Ô", không để tình trạng resort che kín.

Tại cuộc họp báo chiều 10/4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) gây xôn xao dư luận thời gian qua.

"Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và chủ đầu tư phải điều chỉnh quy hoạch trên tinh thần biển khu vực này dù có dự án nhưng phải tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng, mở lối xuống biển", ông Thơ nói.

Lãnh đạo thành phố cũng cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư không làm hàng rào che chắn khu dân cư với biển, mở rộng đường ranh giới giữa khu du lịch và khu dân cư hiện hữu; mở rộng các kiệt, hẻm để người dân cùng tham gia làm du lịch.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp báo. Ảnh: Đ.X.

"Người dân phải được xuống biển một cách bình thường, không để xảy ra tình trạng như các dự án resort như ở quận Ngũ Hành Sơn", ông Thơ nhấn mạnh và cho biết khu vực có dự án cũng sẽ trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử gắn với sinh hoạt của làng biển 700 năm tuổi.

Sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng. Ông Nghĩa cũng nêu ra câu chuyện ở Nam Ô "ầm ĩ cả nước nhưng chưa thấy mặt trận làm gì cả". Điều này cho thấy việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân là chưa thấu đáo.

Theo Bí thư Đà Nẵng, Nam Ô là làng chài cổ nhất của Đà Nẵng, với mộ tiền hiền 700 tuổi, làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng... Nhưng hiện dự án khu du lịch sinh thái đã xóa hết làng chài ven biển. Người dân trước đây mở mắt ra là thấy biển, giờ thấy hàng rào tôn "tức mắt vô cùng".

Làng biển Nam Ô trong quá trình giải tỏa, trước khi chủ đầu tư dựng hàng rào bit kín bờ biển.

Thanh tra đất tại khu vực hai nhà máy thép

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến quyết định di dời hai nhà máy thép gây ô nhiễm và việc tái định cư người dân sống quanh khu vực này được đặt ra với chính quyền Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, trước đây Thường vụ Thành ủy từng quyết định di dời dân, hai nhà máy đứng ra ứng tiền giải tòa đền bù trước rồi tính toán chi phí bù lỗ sau; hai nhà máy sẽ được đóng cửa theo lộ trình khoảng 10 đến 15 năm để chuyển đổi công nghệ.

Tuy nhiên gần đây, vấn đề lớn mà thành phố vấp phải là quy mô tái định cư quá lớn. Nguyên nhân do khu dân cư quanh hai nhà máy thép có hiện tượng nhiều người đến mua đất, chia cắt sổ đỏ, làm nhà trái phép. Dự kiến thành phố giải tỏa hơn 400 hộ dân nhưng đến nay đã tăng trên 1.000 hộ, do đó cơ quan chức năng buộc phải xem xét lại việc di dời dân.

Chủ tịch Đà Nẵng cho hay thành phố đã giao Thanh tra rà soát để làm rõ có việc chạy đất giải tỏa hay không. "Mức độ hợp pháp tới đâu, lợi dụng chỗ nào thì sẽ có câu trả lời từ thanh tra", ông Thơ nói.

Làng biển Nam Ô được UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương, giao 36,6ha cho doanh nghiệp xây dựng khu du lịch sinh thái từ năm 2008. Dự án đã hai lần chuyển đổi chủ đầu tư và nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng không có lối xuống biển cho dân.

Dù chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã dựng hàng rào thép, gắn tôn bịt kín bờ biển, chỉ chừa lại năm lối đi tạm cho người dân. Ba tuần trước, người dân tập trung phản đối khi lối đi xuống ghềnh đá Nam Ô đang mùa lên rêu bị bảo vệ khu dự án khóa kín. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa sau đó đã đi thị sát, yêu cầu mở lối xuống biển để người dân được hưởng thụ bờ biển theo quy định luật pháp.

Tin cùng chuyên mục