Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex |
Năm 2019 được Chính phủ xem là năm "bứt phá" để tăng tốc phát triển. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp (DN), theo ông, DNTN cần phải làm gì để cùng Chính phủ bứt phá?
Để DNTN bứt phá được phụ thuộc 2 yếu tố. Thứ nhất là Chính phủ có tạo điều kiện, tạo cơ hội hay không và bản thân các DN có đủ trình độ, đủ quyết tâm để bứt phá hay không. Trong hai yếu tố này, Nhà nước phải tạo điều kiện là điều kiện cần để DNTN “bứt phá”.
Năm 2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán hơn 20% cổ phần của Vinaconex trên sàn chứng khoán, nhưng không có nhà đầu tư nào mua…Thế nhưng, cuối năm 2018, Nhà nước quyết định bán toàn bộ vốn của Vinaconex với giá trị thu về gần 10.000 tỷ đồng. Cuộc đấu giá rất thành công. Bản thân chúng tôi là một nhóm cổ đông mua gần 58% cổ phần với hơn 7.000 tỷ đồng, vượt giá sàn hơn 2.000 tỷ đồng. Đó là bứt phá.
Nhà nước rất muốn cổ phần hóa, thoái vốn khỏi một số lĩnh vực không cần nắm giữ, song quá trình này vẫn chậm trễ. Nhiều DN không cần Nhà nước quản lý nhưng DN vẫn quản lý. Điển hình như hầu hết các tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng chưa cổ phần hóa được, thoái vốn chưa hết. Cứ chần chừ như thế không thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn DNNN như kế hoạch đặt ra.
Vậy, theo ông để có thể bứt phá được trong hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn DNNN vốn rất chậm trễ lâu nay, Chính phủ và DN cần phải làm gì?
Rõ ràng có hai vế. Đầu tiên Chính phủ phải tạo đường đi, cơ hội để DNTN trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ muốn “bứt phá” quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ thì cần phải làm thật nhanh, thật hợp lý với việc đẩy tốc độ tăng lên mới thu hút được nguồn lực bên ngoài. Nếu cứ làm từ từ, làm từng phần, mỗi năm chuyển dịch một ít thì thì nhà đầu tư chiến lược sẽ không mua, và các cuộc đấu giá đó sẽ không thể thành công. Thứ hai, Chính phủ muốn DN “bứt phá” được thì chính sách phải ổn định. Nếu đưa ra một chính sách làm BOT, BT nhưng sau một thời gian làm mà thấy nơi này, nơi kia làm không đúng hay làm sai thì dừng lại để nghiên cứu tiếp thì các DN đầu tư nghiêm túc sẽ bị ảnh hưởng. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy chông gai, khó khăn tới DN mà họ khó thể kiểm soát được rủi ro. Vì thế, bất kỳ chính sách nào khi ban hành cũng có thời hạn hoặc có điều kiện áp dụng để cho DN yên tâm.
Về phía DN, bản thân DN phải tự lo bứt phá. Vinaconex sau khi thoái vốn nhà nước, chúng tôi đã xây dựng mức tăng trưởng bứt phá. Cụ thể, năm nay, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu tăng lên 50%, lợi nhuận bổ sung tăng thêm 20% so với năm 2018.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong điều kiện hiện nay, DN phải tăng trưởng dựa trên cái gốc là năng suất lao động, bởi chỉ có trí tuệ mới là tài sản lớn nhất, giá trị nhất của DN. Triết lý này càng trở nên đúng khi trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tất cả các tài sản vật chất khác có thể dần mất đi, thay thế bằng những tài sản khác nhưng tài sản trí tuệ là vô hạn.
Với quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách thực hiện mục tiêu này. Song để thúc đẩy DNTN “bứt phá”, theo ông có cần thêm chính sách nào khác không?
Đúng là Chính phủ ban có nhiều chính sách tạo điều kiện cho DNTN phát triển. Tôi nghĩ rằng, thời gian tới, có lẽ không cần thêm các chính sách nữa mà quan trọng là áp dụng chính sách đó như thế nào và tốc độ áp dụng ra sao để tạo sự bứt phá. Do đó, ngay sau khi một luật hay nghị quyết nào đó được ban hành thì các văn bản hướng dẫn dưới luật phải nhanh chóng, kịp thời. Đầu năm mà đưa ra một chính sách, nhưng tới tận nửa năm sau chưa có văn bản hướng dẫn thế thì không thể bứt phá được. Yêu cầu này càng trở nên quan trọng với DN trong bối cảnh kinh tế 4.0 hiện nay.
Ai cũng biết cổ phần hóa, thoái vốn DNNN là chủ trương đúng đắn, song thử hỏi đến thời điểm này liệu có bao nhiêu bộ ngành, thành phố làm việc này thành công; hiện còn bao nhiêu DNNN vẫn không làm gì…. Rõ ràng, vấn đề ở đây là chính sách tốt nhưng không được thực thi hoặc thực hiện không nghiêm túc.
Từ thực trạng này, đâu là giải pháp trọng tâm để những chính sách tốt thực thi hiệu quả, từ đó giúp DNTN bứt lên, thưa ông?
Vẫn là vấn đề con người. Nếu những Bộ ngành, tổng công ty không thực hiện nghiêm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn thì người đứng đầu DN phải chịu trách nhiệm bằng việc cách chức chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc DN. Tại Việt Nam, đến thời điểm này, đã có rất nhiều đơn vị chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN, song gần như chưa có ai bị mất chức. Tuy nhiên, tại DNTN lại rất khác, nếu lãnh đạo không làm được việc thì sẽ bị thay thế một cách sòng phẳng. Vì vậy, để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn cần xử lý nghiêm những đối tượng làm chậm trễ quá trình này./.
Xin cám ơn ông!