Mục tiêu bao trùm của cơ cấu lại DNNN là tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước dựa trên cải cách quản trị, tăng cường công khai, minh bạch. Ảnh: Quang Khánh |
Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ cho thấy, các mục tiêu về chất lượng của quá trình cơ cấu lại DNNN đang tiến triển chậm.
6 mục tiêu khó hoàn thành
Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và các nghị quyết liên quan đã xác định rõ 9 mục tiêu chính trong cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước đến năm 2020. Đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện tới thời điểm này, có 1 mục tiêu hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành và có tới 6 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.
Các mục tiêu khó hoàn thành này bao gồm: Thoái toàn bộ vốn khỏi các DNNN tại các ngành Nhà nước không cần nắm giữ trên 50% vốn; thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư; xử lý dứt điểm các dự án của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN.
Báo cáo nêu rõ, việc cơ cấu lại các DNNN được triển khai vẫn chậm so với kế hoạch. Theo kế hoạch, năm 2018 hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 DN, bao gồm: 21 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2018 mới cổ phần hóa được 10 DN, trong đó có 2 DN thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch. Cùng với đó, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, lũy kế đến nay mới chỉ có 30 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Trong đó, năm 2017 có 13 đơn vị thực hiện thoái vốn; 7 tháng đầu năm 2018 có 17 đơn vị thực hiện thoái vốn.
Mô hình quản trị DN chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sản xuất, kinh doanh của DN. Đáng lưu ý, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, chất lượng cổ phần hóa và thoái vốn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Việc thoái vốn nhà nước tại các DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chưa thực hiện được theo phương án được duyệt.
Tới thời điểm này, 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn chưa được xử lý triệt để, trong khi nhiều tài sản không sử dụng hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh.
Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường.
Khơi nguồn lực cho tăng trưởng
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đáng lẽ các DNNN - khu vực đang nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế - phải có những đóng góp thích đáng vào tăng trưởng kinh tế. Song đáng tiếc là trên thực tế, hiệu quả hoạt động của khu vực này vẫn không như những gì họ đang nắm giữ. Để khơi được nguồn lực từ khu vực này cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn còn lại của Kế hoạch cũng như giai đoạn tiếp theo, Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu bao trùm là phải tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại DN dựa trên việc cải cách quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch của DNNN.
Căn cứ vào mục tiêu bao trùm, Chính phủ kiến nghị một số giải pháp thực hiện. Đầu tiên là cần xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN đến năm 2020. Với vai trò thống nhất đại diện chủ sở hữu nhà nước, Chính phủ giao các chỉ tiêu bắt buộc về nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với DNNN. Chẳng hạn, hàng năm hiệu quả kinh doanh tăng ít nhất 1 điểm phần trăm so với năm trước về các chỉ tiêu doanh thu/vốn; lợi nhuận gộp/doanh thu; lợi nhuận trước thuế/tài sản…
Cùng với đó, cải thiện chất lượng quản trị DN, nhất là chất lượng báo cáo tài chính và công khai, minh bạch hóa thông tin. Kiên quyết xử lý các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả; xem xét thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật, thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. Đặc biệt, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cần phát huy vai trò của mình, góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại DN.
Với các DN làm ăn thua lỗ, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của DN, mà cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.