Chứng minh chi phí sản xuất trong nước: Cách nào giúp doanh nghiệp hưởng ưu đãi trong đấu thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Pháp luật về đấu thầu dành ưu đãi cho nhà thầu khi đề xuất chi phí sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa biết cách chứng minh để được hưởng ưu đãi. Nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn quy trình cụ thể và rõ ràng hơn để các đối tượng được thụ hưởng tận dụng lợi thế khi tham dự thầu.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa­­ để được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu là rất khó khăn. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa­­ để được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu là rất khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hàng hóa chào thầu có chi phí sản xuất trong nước chiếm từ 25% trở lên trong giá hàng hoá thì được hưởng ưu đãi bằng cộng điểm vào điểm đánh giá hoặc cộng thêm một khoản tiền vào giá dự thầu/giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch trừ đi giá trị giảm giá (nếu có).

Nhiều nhà thầu đánh giá đây là quan điểm tiến bộ, khuyến khích sản xuất trong nước. Kế thừa và tiếp thu các ý kiến đề xuất, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu nâng tỷ lệ ưu đãi lên nhiều mức tương ứng với tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định đề xuất, trường hợp hàng hoá có xuất xứ Việt Nam có tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước đến dưới 50%, hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó. Trường hợp hàng hoá có xuất xứ Việt Nam có tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước trên 50% thì hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 10% (hoặc 12%) giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa...

Ghi nhận bước tiến này, nhiều ý kiến cho rằng, để những quy định trên thực sự khả thi, hiệu quả khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực, các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn quy trình cụ thể và rõ ràng hơn để các đối tượng xứng đáng được thụ hưởng có thể tận dụng tối đa lợi thế khi tham dự thầu.

Bởi qua chia sẻ thực tế của một số doanh nghiệp, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ để được hưởng những ưu đãi nêu trên là rất khó khăn, gặp nhiều trở ngại. Vừa là doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, vừa là nhà thầu cung cấp thuốc, nhưng đại diện Công ty CP Tập đoàn Merap băn khoăn không biết phải chuẩn bị những tài liệu nào để chứng minh chi phí sản xuất trong nước khi tham dự thầu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng giám đốc Vinaconex chia sẻ, hiện rất khó xác định, bóc tách và chứng minh cụ thể tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước. Các ngành, các lĩnh vực riêng, đặc thù thì cần có quy định cụ thể về tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước tùy thuộc vào tình hình thực tế của ngành nghề đó.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cần có quy định chi tiết về nội hàm ưu đãi, quy trình, tài liệu chứng minh nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi.

Do đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể cách xác định hàng hoá xuất xứ Việt Nam và cách chứng minh hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam. Từ đó, các nhà thầu có căn cứ thực hiện, biết rõ quyền lợi mà mình được hưởng và chủ động hơn khi chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Đồng thời, chủ đầu tư cũng dễ kiểm chứng và cụ thể hóa các quy định ưu đãi trong hồ sơ mời thầu cũng như các tiêu chí đánh giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, xác nhận tỷ lệ nội địa hóa hay sản xuất tại Việt Nam phần nào đó tương đối giống với xác định xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu hiện được quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Hiện tại, hướng dẫn xác định sản xuất tại Việt Nam cho hàng hoá lưu thông tại thị trường trong nước vẫn dừng ở mức dự thảo thông tư mà Bộ Công Thương đang xây dựng. Trong thời gian chưa có quy định, tiêu chí đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có thể được thực hiện theo quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu không ưu đãi theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương. Nhà thầu có thể xuất trình giấy chứng nhận chi phí sản xuất trong nước được cấp bởi VCCI, tổ chức được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chứng nhận, xác nhận các giấy tờ cần thiết trong hoạt động thương mại tại Việt Nam.

Ghi nhận những đề xuất nêu trên, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và VCCI cùng nghiên cứu kỹ lưỡng để có hướng dẫn cụ thể hơn trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục