Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, thậm chí mất niềm tin khi bị thiệt hại lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với số tiền đầu tư lớn, vòng đời của mỗi dự án BOT thường kéo dài hàng chục năm nên cần có sự đồng hành, đối xử bình đẳng giữa các bên ký hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi đang gặp vô vàn khó khăn do một số cơ quan nhà nước can thiệp một cách thô bạo bằng những “mệnh lệnh” hành chính, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Thái Hà

Theo chủ trương của Nhà nước, chúng tôi đã thực hiện đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà. Công trình được nghiệm thu và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 3/4/2018, nhưng đến ngày 10/1/2019, công trình mới được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép thu phí. Việc Dự án chậm được chấp thuận thu phí hoàn vốn là một thiệt hại cho nhà đầu tư.

Không chỉ vậy, sau khi kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào Dự án BOT cầu Thái Hà, Bộ GTVT lại thực hiện đầu tư Dự án Cầu Hưng Hà bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, phương tiện qua lại không thu phí nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án tài chính của Dự án BOT cầu Thái Hà. Dự án Cầu Hưng Hà sử dụng toàn bộ phần hạ tầng đường phía Hà Nam của Dự án BOT cầu Thái Hà mà không có sự thỏa thuận với nhà đầu tư BOT. Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đưa ra phương án hỗ trợ nhà đầu tư đối với những thiệt hại nêu trên, nhưng đến nay chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 và Khu Quản lý đường bộ I (đều là các đơn vị cấp dưới của Bộ GTVT) đã 2 lần cấp giấy phép thi công đấu nối trái phép các công trình/dự án khác vào Dự án BOT cầu Thái Hà mà không có sự bàn bạc, thỏa thuận với nhà đầu tư, gây nên tình trạng xuống cấp, sụt lún, hư hỏng và doanh nghiệp dự án phải tự bỏ chi phí để khắc phục, sửa chữa. Tất cả những điều trên đã làm “sức khỏe” tài chính của Dự án kiệt quệ, xói mòn lòng tin của nhà đầu tư BOT.

Tin cùng chuyên mục