“Chương mới” trong phát triển năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau giai đoạn bùng nổ về số lượng nhà máy và công suất, ngành năng lượng tái tạo (NLTT) rơi vào hoàn cảnh éo le, hàng chục tỷ USD đầu tư vào các dự án “mốc meo” sương gió nhiều năm. Nguồn lực đầu tư bị lãng phí, trong khi điện vẫn thiếu và ngày càng thiếu trầm trọng hơn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Khép lại giai đoạn đầu tư với hai gam màu sáng, tối, một chương mới được mở ra từ Quy hoạch điện VIII. Để làm những phần việc mới hiệu quả, tránh được “vết xe đổ” của giai đoạn đã qua, các chuyên gia cho rằng, cần bắt đầu từ việc thực thi đúng Quy hoạch.

Khép lại giai đoạn phát triển bùng nổ

Sự phát triển như vũ bão cả về số lượng, công suất lắp đặt nhà máy thủy điện, điện mặt trời (ĐMT), điện gió, điện sinh khối… trong một giai đoạn ngắn đã kịp thời định hình một ngành công nghiệp mới của đất nước. Những vùng đất quanh năm hun hút gió và chói chang nắng như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị hay Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang… đã được bao phủ bởi những tấm pin năng lượng, cánh quạt gió khổng lồ.

Theo thống kê từ Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, năm 2022, sản lượng điện từ NLTT đạt trên 129,8 tỷ kWh, bằng 1,24 lần so với sản lượng điện than và trên 96% so với tổng sản lượng điện than và điện khí. Trong đó, sản lượng ĐMT và điện gió chiếm 12,8%. Năm 2022 cũng ghi nhận lần đầu tiên điện năng do các nguồn phát điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 53% sản lượng toàn hệ thống.

Ông Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản cho rằng, những kết quả tích cực của ngành năng lượng trong giai đoạn này là nhờ triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW. Thành quả này sẽ giúp Việt Nam từng bước thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Bên cạnh những thành quả “lấp lánh” trong phát triển NLTT tại Việt Nam giai đoạn bùng nổ để hưởng chính sách giá ưu đãi của Nhà nước, nhiều dự án đã “việt vị”. Bộ Công Thương cho biết, có 85 dự án, tổng công suất khoảng 4.800 MW rơi vào tình trạng này hơn một năm qua. Khó có thể nói hết những khó khăn của doanh nghiệp khi phải chật vật duy trì những dự án hàng tỷ USD để chờ được bán điện.

Là một trong những doanh nghiệp có dự án nằm trong diện chuyển tiếp, TS. Hoàng Giang - Chủ tịch Cộng đồng NLTT Bến Tre cho biết, 62/85 dự án điện gió, ĐMT (tổng công suất 3.479 MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng không kịp hoàn thành vận hành thương mại (COD) trước 31/10/2021) có tổng mức đầu tư 7 tỷ USD. “Dự án đắp chiếu, nhưng chi phí bảo dưỡng, vận hành, chi phí cho nhà thầu, doanh nghiệp vẫn phải trả đều. Từ doanh nghiệp đem tiền đi đầu tư, phút chốc trở thành doanh nghiệp gánh nợ”, ông Giang chua chát nói.

Ông Trần Minh Tiến - đại diện Chủ đầu tư 4 nhà máy điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị cho biết, các dự án của doanh nghiệp có tổng công suất là 160 MW và hoàn thành chỉ sau hạn cuối áp dụng chính sách giá ưu đãi một vài ngày, nhưng cho đến nay, các dự án đều như... đống sắt vụn. Với số vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, trong hơn 1 năm qua không có doanh thu, doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Ninh Thuận khẩn thiết đề nghị: “Hãy kịp thời trợ lực cho các dự án này để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay bằng cách nhanh chóng phê duyệt giá bán điện tạm thời và cho đấu nối lên lưới”.

Rất may, dù chậm, sau gần 2 năm để doanh nghiệp “tự bơi” và thoi thóp, đề xuất giá tạm thời của Bộ Công Thương đã được các doanh nghiệp chấp thuận, dù mức giá chỉ bằng 50% giá trần của khung giá đang áp dụng. “Đã có 81/85 dự án hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với EVN, trong đó có nhiều dự án đã được duyệt giá tạm với tổng công suất 1.171,72 MW, hoàn thành thủ tục vận hành, đưa điện thương mại lên lưới”, Bộ Công Thương cho biết.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Khơi mạch cho giai đoạn phát triển ổn định

Ông Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) cho rằng, về mặt thời gian và chu kỳ đầu tư, dù bức tranh về NLTT chưa hoàn thiện nhưng đã chứng minh NLTT là xu thế tất yếu và có sức hút lớn. Chỉ tiếc là về sau, chính sách giá bị gián đoạn, khoảng trống quá lớn, kéo dài nên nhiều dự án NLTT bị lãng phí nguồn lực đầu tư.

Theo các chuyên gia, về lâu dài cần có chính sách dài hơi, bền vững, mức giá hấp dẫn cho doanh nghiệp NLTT, đồng thời hạ tầng ngành điện cần cải thiện mạnh mẽ, môi trường đầu tư thông thoáng. Điều này đòi hỏi phát triển NLTT phải theo đúng quy hoạch.

Dẫn số liệu từ Quy hoạch điện VIII, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam chủ yếu là điện sạch từ NLTT với tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 chiếm 67,5 - 71,5%, ông Mai Duy Thiện cho rằng, đây được xem là chìa khóa để Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng và trung hòa carbon. Tuy nhiên, đây vẫn là câu chuyện dài khi nhiều rào cản còn ở phía trước. Trong đó, rào cản đầu tiên là đơn giá bán điện đã giảm sâu theo Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg, với điện gió trên đất liền giảm 18%, chỉ còn 1.587 đồng/kWh; điện gió ngoài khơi giảm 19,7%, chỉ còn 1.815 đồng/kWh; ĐMT mặt đất giảm 28%, còn 1.184 đồng/kWh… Bên cạnh đó, chính sách cho phát triển NLTT chưa thực sự rõ ràng; hợp đồng mua bán điện, giá bán điện có quá nhiều thủ tục kéo dài; chưa có văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể các bước triển khai dự án NLTT sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, có 3 thách thức lớn ảnh hưởng tới chuyển dịch năng lượng, gồm: yếu tố giá bán điện trong tương lai; quản lý nhu cầu nguồn năng lượng phân tán (ĐMT áp mái); khung pháp lý đối với các thành phần kinh tế được đầu tư lưới điện truyền tải. “Một mảnh ghép quan trọng còn thiếu của khung pháp lý cho ngành năng lượng là Luật Năng lượng tái tạo. Cần sớm nghiên cứu và ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đóng vai trò chủ đạo cho việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho rằng, để Quy hoạch điện VIII được thực hiện thành công, trước hết phải tuân thủ quản lý quy hoạch. Theo ông Thịnh, bài học về Quy hoạch điện VII vẫn nóng hổi với ĐMT quy hoạch đến 2020 là 850 MW nhưng lại được bổ sung gần 10.000 MW, gấp 12 lần, nên mới dẫn đến hệ quả như ngày nay. “Quy hoạch thì cân nhắc từng con số nhưng thực thi thì không tuân thủ. Bổ sung hàng loạt dự án ĐMT vào quy hoạch trong khi đầu tư hạ tầng ngành điện theo Quy hoạch điện VII vô cùng chậm đã khiến những dự án có COD nhưng vẫn bị cắt giảm công suất đến 20%, thậm chí ký hợp đồng mua bán điện rồi nhưng vẫn không thể phát lên lưới. Điều này cho thấy sự không đồng bộ trong thực thi quy hoạch”, ông Thịnh phân tích.

Để ngành NLTT phát triển, thu hút được các nhà đầu tư, giữ chân họ ở lại, theo ông Thịnh, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp và quan trọng là chính sách giá phải đồng nhất, dài hơi.

Tin cùng chuyên mục