Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: Sẽ thanh, kiểm tra đấu thầu mua thiết bị giáo dục, in ấn SGK

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông qua việc giám sát thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thanh, kiểm tra việc thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục; công tác in, phát hành SGK của các nhà xuất bản, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) SGK; chuyển cơ quan điều tra khi xác định dấu hiệu vi phạm.
Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 có nhiều tồn tại, hạn chế. Ảnh minh họa: Internet
Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 có nhiều tồn tại, hạn chế. Ảnh minh họa: Internet

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT. Trong giai đoạn 2015 - 2022, tổng kinh phí đã bố trí là 213.449,72 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, chi thường xuyên là 81.770,14 tỷ đồng, chiếm 38,3%; chi đầu tư là 131.679,58 tỷ đồng, chiếm 61,7%. Nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn vay nước ngoài, vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn ngân sách trung ương chiếm tỷ lệ lần lượt là 71,6%, 19,2% và 6,2% tổng kinh phí. Trong giai đoạn 2015 - 2022, đã thu hút được 6.420,22 tỷ đồng từ chính sách xã hội hóa giáo dục (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình GDPT); 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực GDPT với tổng số vốn đăng ký là 33,71 triệu USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát của UBTVQH cũng chỉ ra, việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT vẫn còn tồn tại, hạn chế. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 12 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa bảo đảm tiến độ; 18 nội dung được giao nhưng chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 7 văn bản chưa phù hợp về thể thức.

Các chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục thời kỳ 2021 - 2030 chậm được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương đổi mới GDPT trong giai đoạn đầu chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát, toàn diện, hiệu quả chưa cao, nhiều sai phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Chương trình GDPT mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định chương trình, SGK GDPT mới chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng, phải thay đổi nhiều lần. Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới quan trọng của Chương trình chưa được chú trọng, thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp, hiệu quả chưa cao.

Đoàn giám sát của UBTVQH cho biết, việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK còn nhiều bất cập: Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung GDPT; quản lý, điều tiết giá SGK; thực hiện chính sách xã hội với một số đối tượng và địa bàn. Việc thực nghiệm SGK chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn SGK, nhất là SGK Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Mặt khác, việc cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua SGK ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành SGK giả diễn ra phức tạp. SGK mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản SGK; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Việc phê duyệt kết quả lựa chọn SGK của nhiều tỉnh chậm, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng SGK. Giá bộ SGK theo Chương trình GDPT 2018 tăng gấp 2 - 4 lần giá bộ SGK theo Chương trình GDPT 2006. Số đầu SGK tăng, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách...

Đoàn giám sát của UBTVQH khẳng định, trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021 chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới GDPT; tiến độ xây dựng chương trình GDPT mới chậm; không tổ chức biên soạn được một bộ SGK; công tác thực nghiệm, thẩm định chương trình, SGK còn hạn chế; hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT còn bất cập; giá các bộ sách giáo khoa, tỷ lệ chiết khấu cao; các dự án hỗ trợ đổi mới chương trình, sách giáo khoa triển khai chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có sai sót, khuyết điểm trong quản lý.

Đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung ban hành mới theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các bộ ngành ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT; xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm do lỗi chủ quan để xảy ra tình trạng chậm ban hành, chưa ban hành văn bản; tham mưu ban hành văn bản có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong triển khai thực hiện.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Việc in, phát hành, cung ứng SGK thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản SGK do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả; cơ chế xã hội hóa in, phát hành SGK do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả. Quản lý chặt chẽ giá, chi phí phát hành SGK. Đề xuất hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo trước tháng 9/2024.

Đoàn giám sát của UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Tin cùng chuyên mục