Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, thiết thực. Ảnh: Lê Tiên |
Nguồn vốn này được huy động từ ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; vốn tín dụng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác; huy động đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư; vốn lồng ghép từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030…
Một trong những mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất trên 80% số xã đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 15 tiêu chí và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn phải cơ bản hoàn thành các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; những địa phương (xã, huyện, tỉnh) đã được công nhận đạt chuẩn tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người nông dân tăng ít nhất là 1,36 lần so với năm 2020.
Thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành cho rằng, cơ cấu nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn này được xác định có tính kế thừa, tương tự như cơ cấu nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020. Song, cơ sở xác định tổng mức đầu tư Chương trình chưa rõ ràng. Tổ chuyên gia đề nghị Bộ NN&PTNT làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức đầu tư Chương trình. Bên cạnh đó, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, tính khả thi của việc huy động các nguồn lực khác cũng cần được làm rõ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước Chương trình lưu ý, nguồn lực ngân sách có hạn và chỉ là vốn mồi. Do đó, Chương trình cần tập trung ưu tiên nguồn lực vào những nhiệm vụ cấp bách, thiết thực, có hiệu quả cho khu vực nông thôn.