Chuyện Chúa khỉ mò trăng

(BĐT) - Loài khỉ, loài vượn thuộc bộ linh trưởng, rất gần gũi với con người về thể chất, tập tính, sinh hoạt. Bởi thế, người ta nghĩ về nó cũng muôn hình muôn vẻ như nghĩ về thế giới con người vậy. 
Chuyện Chúa khỉ mò trăng

Có vui có buồn, có thiện có ác, có tốt có xấu, có thiêng có tục, có trí có ngu… chứ không nhất thiết chỉ ẩn dụ cho một tính cách cố định nào cả. Ngày xuân, tìm gặp câu chuyện vui, cùng nhau thưởng thức vậy. 

Câu chuyện “Chúa khỉ mò trăng” là một thí dụ ngụ ngôn Phật giáo được ghi chép trong kinh tạng và lưu truyền rộng rãi trong truyền ngôn dân gian phương Đông.

Chuyện kể rằng, ngày xưa, trong khu rừng vắng vẻ có một bầy khỉ 500 con sinh sống và lập nên một quốc gia riêng. Con khỉ đầu đàn được làm Viên hầu vương, là chúa của tất cả. Trong vương quốc khỉ đó có một cây du da lớn, cành lá tỏa rợp tứ bề, rễ buông từng chùm đong đưa. Trong lòng cây đa có vị thần thiêng được gọi là Thụ thần. Cạnh gốc cây có một cái giếng sâu thẳm, nước lặng tờ, uống mát ngọt.

 Một tối, có một con khỉ ngó cổ nhìn xuống đáy giếng rồi hét toáng lên:

- Trăng rơi xuống giếng mất rồi. Chết mất thôi!

Cả đàn xúm lại xôn xao lo lắng. Viên hầu nói:

- Hôm nay trăng chết, rơi xuống đáy giếng rồi, chúng ta phải cùng nhau vớt trăng lên, không thể để thế gian chìm trong đêm tối được.

Cả đàn nghe khỉ chúa nói liền chúng khẩu đồng từ rối rít:

- Làm sao được, làm sao được! Giếng thì sâu chúng mình chân thì ngắn, tay thì ngắn…

Con khỉ chúa ấy mới nói:

- Ta biết cách bày cho. Ta nắm lấy cành cây, các ngươi nắm lấy đuôi ta, cứ thế đứa này nắm đuôi đứa khác mà nối nhau, như cái dây thòng xuống, nghe chửa! Phải vớt trăng lên cho ta.

Lũ khỉ nghe như cởi tấm lòng, chúng hăng hái nắm đuôi nhau thành một chuỗi dài, choe chóe bảo nhau níu cho chắc, túm thật chặt. Nhưng khổ nỗi, cái giếng sâu hun hút, chúng nối mãi vẫn chưa đến nơi.

Bỗng nhiên, rắc.. rắc… rắc… rắc…, cành cây nhỏ quá không tài nào chịu nổi nên gẫy luôn. Lũ khỉ cả đàn rơi tùm xuống đáy mà chết.

Lúc đó, Thần cây bèn đọc bài kệ rằng:    

- Ngu sao lũ khỉ dại khờ,

Theo nhau mà chết sau bờ giếng khơi.

Khổ đau thì chuốc lấy thôi,

Làm sao cứu đặng muôn người thế gian.

Đức Phật mới dạy rằng:

- Khỉ chúa khi ấy thì nay là Đề - bà - đạt - đa, còn đàn khỉ lúc bấy giờ thì nay là lục quần tỷ khưu (sáu vị ác tỷ khưu trong thời đại Đức Phật, sáu vị này kết thành bè đảng, không giữ luật nghi, làm nhiều việc xấu xa).

Kinh Niết bàn cũng nói:

- Kẻ Đại tham làm việc ác mà không tự thấy, vì kẻ ấy có tâm kiêu mạn, tuy làm nhiều điều xấu ác nhưng không biết sợ hãi, cho nên không được thành Phật, ví như đàn khỉ bắt bóng trăng đáy nước.

Trong kinh sách nhà Phật, Đề - bà - đạt - đa, gọi tắt là Đề bà, còn gọi là Thiên Dữ (vị thần ác độc), là một vị tỷ khưu xấu ác, phạm tội ngũ nghịch, phá hoại tăng đoàn, đối địch với Phật.

Ông là con vua Hộc Phạn, người chú của Phật. Thủa nhỏ, ông học tập cùng Thái tử Tất Đạt đa (tên lúc trẻ của Đức Phật) và có tài năng xuất sắc. Sau khi Thái tử Tất Đạt đa thành Phật, ông cũng dốc lòng tu đạo. Tuy nhiên không qua khỏi được tham sân si nên sinh tính kiêu mạn, cố chấp, bởi thế không chứng được Thánh quả. Ông thoái chí, đi nơi khác học thần thông để cầu lợi dưỡng. Được Thái tử một nước khác cúng dường, ông lại càng kiêu mạn hơn. Đề - bà xúi Thái tử nước ấy giết vua cha mà cướp ngôi, còn mình thì thỏa sức hưởng lạc. Nhiều lần, Đề - bà tìm cách sát hại Đức Phật, lên núi lăn đá định đè chết nhưng Đức Phật chỉ bị thương ở chân, thả voi điên quật Đức Phật nhưng voi điên được Đức Phật thuần phục… Đề - bà còn dùng thuốc độc và tà thuật hãm hại nhiều người tu hành. Lần cuối cùng, Đề - bà bôi nọc độc vào đầu mười móng tay mình định nhân lúc lễ lạy Phật để hại Phật. Nhưng lúc đó, chân Phật thốt nhiên rắn như đá, còn 10 đầu ngón tay Đề - bà thì bị xây xát, chất độc ngấm vào máu khiến Đề - bà bỏ mạng.

Ngụ ngôn của nhà Phật là như vậy. Còn trong chốn dân gian, người ta lấy nó làm một bài học về lẽ sống, lẽ tu hành, phương châm hành động.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Thả mồi bắt bóng”, truyện ngụ ngôn Việt Nam cũng có câu chuyện “Thỏ và Hổ” phần nào cũng có ý nghĩa tương tự.

Trước hết là vấn đề nhận thức thực tại và hành động theo nhận thức đúng đắn. Không có trí tuệ để phân biệt thực hư, tưởng hư là thực, xem ảo ảnh là chân lí, rồi cố chấp đi tìm cái ảo vọng đó bất kể cơ sở lí lẽ có vững chắc không, rồi lại còn xúi dục nhân quần nối nhau đi kiếm tìm cái ảo ảnh của chính mình đó, thì chung cục tất nhiên sẽ thật là tai hại.

Đó là điều Đức Phật muốn dạy lại cho chúng sinh. Bài học của “Chúa khỉ mò trăng” (Viên hầu tróc nguyệt) là vậy.

Tin cùng chuyên mục