Chuyển dịch vụ công lĩnh vực KH&ĐT cho DN: Đề xuất tiêu chí cho 3 nhóm thủ tục hành chính

(BĐT) - Dự thảo Đề án chuyển giao cho doanh nghiệp (DN), các tổ chức xã hội (TCXH) có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công (DVHCC) mà các cơ quan hành chính Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đang được hoàn thiện.
Việc chuyển giao các dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư cần có lộ trình phù hợp, trên nguyên tắc không làm gián đoạn dịch vụ. Ảnh: Nhã Chi
Việc chuyển giao các dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư cần có lộ trình phù hợp, trên nguyên tắc không làm gián đoạn dịch vụ. Ảnh: Nhã Chi

Đề án được xây dựng nhằm thực hiện nghị quyết của Đảng và nhà nước về việc chuyển giao một số nhiệm vụ và DVHCC mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho DN, các TCXH đảm nhiệm. Trên cơ sở đó, nội dung Đề án tập trung làm rõ cơ sở lý luận về chuyển giao cho DN, các TCXH đảm nhận một số DVHCC; phân tích thực trạng và tình hình chuyển giao DVHCC trong lĩnh vực KH&ĐT; đặc biệt, đề xuất giải pháp chuyển giao một số loại hình DVHCC trong lĩnh vực KH&ĐT mà Nhà nước không nhất thiết phải làm cho DN, các TCXH.

Thực tế, việc chuyển giao các DVHCC trong lĩnh vực KH&ĐT hiện chưa được thực hiện bởi 2 lý do chính là chưa có chủ trương và phí, lệ phí thấp.

Tại cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án diễn ra sáng ngày 25/12, ông Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội  thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, hiện DVHCC trong lĩnh vực KH&ĐT bao gồm 230 thủ tục hành chính (TTHC); trong đó, 42 TTHC cấp trung ương, 167 TTHC cấp tỉnh và 21 TTHC cấp huyện.

Để thực hiện việc chuyển giao cho DN, các TCXH một số nhiệm vụ và DVHCC mà các cơ quan hành chính Nhà nước không nhất thiết quản lý trong lĩnh vực KH&ĐT, Dự thảo Đề án đề xuất các tiêu chí cho 3 nhóm TTHC.

Một là nhóm TTHC không chuyển giao, tiêu chí là những TTHC thể hiện quyền lực của Nhà nước; TTHC liên quan đến quản lý ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và an sinh xã hội; TTHC được thực hiện giữa các tổ chức nhà nước với nhau; TTHC liên quan đến yếu tố nước ngoài và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Nhóm TTHC có thể chuyển giao cho DN, các TCXH là những TTHC đảm bảo đủ quy mô thị trường; TTHC công có yếu tố kỹ thuật, tiêu chuẩn và có khả năng hậu kiểm.

Còn nhóm TTHC khuyến khích chuyển giao là những TTHC đang thực hiện tốt và những TTHC được thực hiện trực tuyến cấp độ 3, 4. “Về nguyên tắc, các TTHC này có thể không cần thiết phải chuyển giao cho DN và các TCXH, nhưng nếu việc chuyển giao này giúp tăng chất lượng dịch vụ thì vẫn xem xét chuyển giao nhằm tinh gọn bộ máy Nhà nước”, đại diện CIEM nhấn mạnh.

Bên cạnh việc đưa ra các tiêu chí, CIEM kiến nghị một số giải pháp thực hiện như sau: Các đơn vị trực thuộc Bộ KH&ĐT trực tiếp thực hiện các TTHC hoặc theo dõi các TTHC trong phạm vi chức năng quản lý của mình cần rà soát; phân tích đánh giá, nhất là đánh giá về chi phí, hiệu quả của việc chuyển giao các TTHC này cho DN và TCXH. Dựa trên kết quả rà soát, đánh giá, các đơn vị thống nhất đề xuất chuyển giao toàn bộ, một phần hoặc giữ nguyên hình thức cung cấp dịch vụ công như hiện nay. Đồng thời, triển khai nghiên cứu, đánh giá khả năng tiếp nhận của DN và TCXH…

Ngoài ra, theo CIEM, việc chuyển giao các DVHCC trong lĩnh vực KH&ĐT cần có lộ trình phù hợp, trên nguyên tắc không làm gián đoạn dịch vụ. Theo đó, lộ trình chuyển giao phải phù hợp với khả năng đảm nhận của DN và các TCXH; việc chuyển giao không làm tăng phí cho người dân và DN; đồng thời, Nhà nước vẫn phải đảm nhận song song các dịch vụ này để DN được quyền lựa chọn dịch vụ…

Dự kiến, Dự thảo Đề án sẽ được trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trong tháng 12/2019.

Tin cùng chuyên mục