Cienco 4: Ba trợ lực cải thiện sức khỏe tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngoài được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, việc hoàn tất đợt chào bán tăng vốn, huy động 1.123 tỷ đồng vào tháng 5/2023 cùng triển vọng Nhà nước bố trí vốn ngân sách mua lại Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới được đánh giá là 3 trợ lực giúp Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 cải thiện sức khỏe tài chính, tăng tính cạnh tranh cũng như chủ động nguồn lực để hoàn thiện các công trình đúng thời hạn.
Cienco 4: Ba trợ lực cải thiện sức khỏe tài chính

Trúng nhiều gói thầu xây lắp lớn

Trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Cienco 4 liên tiếp được công bố trúng thầu nhiều gói thầu lớn.

Giữa tháng 7/2023, Liên danh Cienco 4 - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 trúng Gói thầu XL8 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM với giá gần 1.417,85 tỷ đồng.

Cuối tháng 6/2023, Liên danh Cienco 4 - Công ty CP Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - Công ty CP Sông Hồng trúng Gói thầu Xây lắp số 11 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội với giá trị gần 900 tỷ đồng.

Vào tháng 2/2023, Liên danh Cienco 4 - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng Tân Nam trúng Gói thầu XL-01 thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hậu Giang - Cà Mau với giá trị 7.256 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2022, giá trị trúng thầu của Cienco 4 đạt 4.472 tỷ đồng với các gói thầu tiêu biểu như: Gói thầu số 17 Thi công xây dựng hầm chui 2,5 đường Giải Phóng, Hà Nội (524 tỷ đồng), Gói thầu XL04 Xây dựng đoạn Km64+272 - Km84+554 tuyến nối Lai Châu (332 tỷ đồng), Gói thầu XL-01 cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn Bùng - Vạn Ninh (1.805 tỷ đồng)... Nhiều dự án trong số này đang trong thời gian thi công. Việc tiếp tục trúng thêm nhiều gói thầu mới đã bổ sung đáng kể nguồn công việc cho Công ty.

Cienco 4 vốn là một trong những tổng công ty công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải trước khi được cổ phần hóa. Bề dày kinh nghiệm thi công nhiều dự án quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao như cao tốc, đường lăn sân bay, cầu vượt biển… là lợi thế giúp chứng minh năng lực và kinh nghiệm thi công - hai yếu tố quan trọng để tham gia đấu thầu các dự án quy mô lớn. Tình hình tài chính của Cienco 4 thời gian qua cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực, nhất là sau đợt chào bán tăng vốn thành công quý II/2023.

Thu hàng nghìn tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu

Báo cáo tài chính của Cienco 4 cho biết, tính đến cuối quý I/2023, quy mô tài sản - nguồn vốn của Công ty đạt 8.347 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay ở mức 42,5% với tổng số dư nợ vay là 3.551 tỷ đồng, bao gồm 2.391 tỷ đồng nợ vay dài hạn và 1.159 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,4 lần.

So với các doanh nghiệp cùng ngành, tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu vốn cũng như tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Cienco 4 được đánh giá là khá thấp. Các tỷ lệ này cũng thấp hơn đáng kể so với chính số liệu lịch sử của Cienco 4 (cuối năm 2021, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Công ty lên tới 3,14 lần và nợ vay chiếm gần 49% cơ cấu nguồn vốn).

Bên cạnh tăng trưởng cao về lợi nhuận nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi giúp gia tăng nguồn lực tài chính (năm 2022, Công ty đạt 151,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,4 lần năm 2021; trong quý I/2023, lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng trưởng 27%, đạt 40,9 tỷ đồng), sự cải thiện cơ cấu vốn của Cienco 4 còn đến từ việc thực hiện thành công các đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông.

Cụ thể, đầu năm 2022, Cienco 4 thực hiện đợt chào bán 112,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 1.123 tỷ đồng. Đầu năm 2023, Cienco 4 tiếp tục chào bán thành công 112,35 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về thêm 1.123,5 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 1,5 năm, quy mô vốn điều lệ của Công ty đã tăng gấp 3 lần. Với kết quả của đợt chào bán vừa hoàn tất, cơ cấu vốn của Cienco 4 trong báo cáo tài chính quý II/2023 sẽ tiếp tục được cải thiện.

Kỳ vọng sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc dự án BOT

Bên cạnh mảng xây lắp, hoạt động khai thác trạm thu phí BOT là lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận gộp của Cienco 4. Năm 2022, hoạt động thu phí BOT tạo ra 289,3 tỷ đồng, đóng góp 11% doanh thu, thu về 168,1 tỷ đồng lợi nhuận gộp, bằng 42% tổng số lợi nhuận gộp. Trong quý I/2023, mảng kinh doanh này tạo ra 89 tỷ đồng doanh thu và 43,8 tỷ đồng lợi nhuận gộp, đóng góp 19,3% doanh thu và 51% lợi nhuận gộp hợp nhất.

Cienco 4 và các công ty con, công ty liên kết hiện sở hữu quyền thu phí tại Dự án BOT đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh, Dự án Quốc lộ 38 đoạn Yên Lệnh - Vực Vòng, Dự án Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát, Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3.

Trong số này, trạm thu phí Bờ Đậu - Quốc lộ 3 thuộc Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã ngưng thu phí từ năm 2017, tạo áp lực không nhỏ về dòng tiền thanh toán nợ vay cũng như chi phí lãi vay cho doanh nghiệp thực hiện Dự án. Theo hợp đồng BOT, để phương án tài chính đảm bảo khả thi, Dự án sẽ đặt 2 trạm thu phí để hoàn vốn. Tuy nhiên, việc thu phí mới được thực hiện tại 1 trạm trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

Đầu tháng 4/2023, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ bố trí hơn 10,3 nghìn tỷ đồng để mua lại 5 dự án BOT và mua một phần của 3 dự án đang gặp vướng mắc, thua lỗ, không đạt phương án tài chính. Trong số các dự án được đề xuất mua lại có Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 với số vốn dự kiến bố trí là 2.850 tỷ đồng. Diễn biến này có thể sẽ giúp Cienco 4 thu về lượng tiền lớn, góp phần cải thiện sức khỏe tài chính, tăng tính cạnh tranh khi tham gia đấu thầu các gói thầu, dự án, cũng như chủ động nguồn lực để hoàn thiện các công trình đúng thời hạn.

Tin cùng chuyên mục