Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Trong đó nhiều văn bản được xây dựng nhằm cụ thể hóa các nội dung của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua.
Là mẫu người của hành động, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rất ít nói về những việc đang làm, càng không muốn nói về bản thân, ông muốn để thời gian chứng minh bằng những thành quả thực tế. Trong ít phút ngắn ngủi trò chuyện cùng Bộ trưởng về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, chúng tôi hiểu và chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của ông khi đây là công việc khó khăn, phức tạp, mang tầm vóc quốc gia với sự tham gia sâu rộng của cả xã hội. Với vai trò Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tham mưu kinh tế tổng hợp cho Đảng, Chính phủ - ông có một trọng trách và sứ mệnh đặc biệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian, tâm huyết, nỗ lực trong việc triển khai thành công Kế hoạch này trong tương lai.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là một chương trình hành động rất lớn, toàn diện. Kế hoạch đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2016, xin Bộ trưởng cho biết tâm trạng của mình?
Kế hoạch được Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng và thông qua với tỷ lệ rất cao: 82,39% đại biểu tán thành. Điều này cho thấy mức độ cấp thiết phải cơ cấu lại nền kinh tế một cách căn bản và thực chất trước những đòi hỏi của thực tiễn.
Sự đồng thuận cao của Quốc hội là cơ sở, động lực và cũng đòi hỏi Chính phủ nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng một trách nhiệm lớn lao trong việc triển khai thành công Kế hoạch này.
Xin Bộ trưởng cho biết vì sao chúng ta phải cấp thiết cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới?
Cơ cấu lại nền kinh tế đã được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2015 và cần tiếp tục triển khai quyết liệt trong giai đoạn 2016 - 2020, xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế và những hạn chế nội tại của nền kinh tế nước ta.
Bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều điểm mới đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới chất lượng và hiệu quả, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế. Việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là cấp thiết nhằm hệ thống hóa các giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện, để đáp ứng các mục tiêu phát triển đã đặt ra đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.
Do tiến bộ của công nghệ, lợi thế cạnh tranh của các quốc gia, trong đó có Việt Nam dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên, năng lượng ngày càng giảm sút. Việc tăng cường áp dụng tự động hóa, công nghệ cao trong các ngành thâm dụng lao động sẽ khiến tổng số việc làm hiện hành trong các ngành như dệt may, da giầy, điện tử và ô tô xe máy bị mất mát đáng kể, đồng thời khiến việc thu hút thêm FDI dựa trên nguồn lao động và tài nguyên thiên nhiên giá rẻ là rất khó khăn. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi nền sản xuất và dịch vụ của Việt Nam phải nhanh chóng tuân theo các thông lệ, quy chuẩn và quy trình quốc tế.
Đáng chú ý là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh. Nhiều quốc gia sẽ tận dụng được thời cơ do cuộc cách mạng này mang lại và gia tăng khoảng cách với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập do hệ quả của quá trình tăng trưởng theo chiều rộng trong thời gian dài. Việc mở rộng các yếu tố sản xuất đầu vào như lao động, tài nguyên, vốn đầu tư đã tới giới hạn, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi mô hình tăng trưởng một cách cơ bản và nhanh chóng.
Bộ trưởng kỳ vọng như thế nào về nền kinh tế sau khi thực hiện cơ cấu lại?
Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chuyển đổi dần mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, áp dụng hiệu quả cả chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.
Triển khai thành công Kế hoạch sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và phát triển bền vững. Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp sẽ cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế.
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn trước diễn ra chậm chạp, chưa được như kỳ vọng. Bộ trưởng có thể chia sẻ một số yêu cầu để triển khai thành công Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020?
Tôi cho rằng để triển khai thành công Kế hoạch này trong giai đoạn tới trước hết phải thống nhất trong nhận thức và quyết liệt trong hành động của cả hệ thống chính trị. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có khối lượng công việc đồ sộ, liên quan đến nhiều Bộ, ban, ngành. Điều khiến tôi trăn trở nhất là khi triển khai sẽ đụng chạm đến lợi ích của nhiều chủ thể, do đó chúng ta phải có sự quyết tâm, đồng thuận cao, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, tránh tư tưởng cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm. Tôi muốn nhấn mạnh cần phải có sự đột phá về tư duy, chấp nhận sự thay đổi và cải cách mạnh mẽ về thể chế theo quy luật thị trường.
Các quốc gia ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau cả về kinh tế và chính trị, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt là giữa các nước lớn. Khoa học công nghệ trở thành nguồn lực cơ bản, động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội và là động lực cạnh tranh chủ yếu của các quốc gia. Tại Việt Nam, đổi mới thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển đồng bộ nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế là những xu hướng tất yếu và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Để làm được điều đó, như tôi đã nói ở trên, cần thay đổi trong nhận thức, tư duy và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Thưa Bộ trưởng, sự khác biệt của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 so với giai đoạn trước là gì?
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là sự tiếp nối của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, được xây dựng với những nội dung giải pháp trọng tâm, trọng điểm; sẽ là một chương trình hành động với mục tiêu rõ ràng, chỉ ra các công việc cụ thể và các đầu mối chịu trách nhiệm triển khai và phải triển khai một cách quyết liệt; được báo cáo thường xuyên và chịu sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội về chất lượng và tiến độ.
Tôi cho rằng, yếu tố chính và quan trọng nhất đảm bảo Kế hoạch được triển khai thành công là cần xác định những công việc cụ thể với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan.
Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi đến cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư?
Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán xây dựng và vận hành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, trong đó doanh nghiệp, doanh nhân được đặt vào vị trí trọng tâm, là động lực của đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Tôi cho rằng doanh nghiệp hùng mạnh, đất nước sẽ cường thịnh; doanh nhân thành đạt, đất nước sẽ vẻ vang. Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ là Chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động. Ngay trong năm 2016, Chính phủ đã triển khai nhiều công việc hiện thực hóa thông điệp này. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hãy tự tin phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Với tư cách là cơ quan tham mưu kinh tế tổng hợp cho Đảng, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tích cực xây dựng các chính sách khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, tiếp tục gỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường, tiết giảm chi phí ở mức thấp nhất cho các doanh nghiệp.
Nhân dịp năm mới Đinh Dậu, tôi chúc các doanh nghiệp, nhà đầu tư và độc giả Báo Đấu thầu sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!