Cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững

(BĐT) - Thời gian qua nợ công của Việt Nam tăng nhanh, trong đó có nguyên nhân do áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển, song đáng nói là hiệu quả sử dụng nguồn vốn công còn hạn chế, yếu kém. 
Nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả làm gia tăng áp lực lên nợ công. Ảnh: Hoài Nam
Nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả làm gia tăng áp lực lên nợ công. Ảnh: Hoài Nam

Để khắc phục tình trang này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. 

Hoạt động đầu tư công có vấn đề

Mới đây, danh sách dự án/nhà máy thua lỗ thuộc ngành Công Thương tiếp tục dày lên khi có thêm 7 dự án/nhà máy khác được bổ sung vào danh sách được Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua. Một số dự án/nhà máy trong danh sách này như: Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Nhà máy Đóng tàu Dung Quất; Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2… Điểm chung của các dự án/nhà máy này là ngốn rất nhiều vốn đầu tư của Nhà nước, trong đó có những dự án/nhà máy dùng vốn vay nước ngoài, tạo nên áp lực nợ công của Việt Nam. Điều đáng suy nghĩ là theo nhiều chuyên gia kinh tế, có lẽ danh sách các dự án được công bố chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Chia sẻ tại Hội nghị Học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) do Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động đầu tư công còn có vấn đề. Xét về tính hiệu quả, ông Hiển khẳng định, đầu tư công đã mang lại những kết quả tích cực trong hỗ trợ phát triển kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng “thay da đổi thịt”…

“Tuy nhiên, đáng buồn là ở đâu đó có những công trình sử dụng vốn vay ODA để nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đến thời gian trả nợ gốc thì công trình đã hư hỏng, buộc phải nâng cấp lại. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hạn hẹp nên phải huy động qua nguồn phát hành trái phiếu để có tiền thực hiện. Như vậy là chúng ta phải trả nợ vay cả trong và ngoài nước…, nợ chồng lên nợ” - ông Hiển nêu thực tế và nhấn mạnh: “Dù vốn ODA người ta cho vay đấy, nhưng nếu chúng ta sử dụng không đúng mục tiêu, không hiệu quả nhưng vẫn phải trả nợ sẽ là mối nguy cho nền kinh tế, kinh tế sẽ không thể phát triển bền vững”. 

Cơ cấu lại ngân sách và quản lý nợ công

Nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn rất lớn; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước của ngân sách nhà nước còn lớn; việc quản lý và sử dụng vốn vay còn nhiều bất cập
Nghị quyết số 07 thẳng thắn nhìn nhận, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn rất lớn; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước của ngân sách nhà nước còn lớn; việc quản lý và sử dụng vốn vay còn nhiều bất cập… Để nâng cao hiệu quả tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 07 đưa ra mục tiêu, quy mô nợ công giai đoạn này không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài không quá 50%. Đến năm 2030, nợ công không quá 60%, nợ Chính phủ không quá 50%, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45%.

Việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả nguồn lực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công, tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; cải thiện cân đối ngân sách nhà nước, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công; nghiên cứu phạm vi nợ công phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn; kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế thấp hoặc không rõ ràng…

Để triển khai Nghị quyết số 07, đại diện Bộ Tài Chính cho biết, hiện Bộ đang xây dựng Dự thảo Chương trình hành động về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Dự kiến, Dự thảo Chương trình hành động sẽ được công bố xin ý kiến đóng góp trong vài tuần nữa.

Tin cùng chuyên mục