Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, trên thực tế, một số DNNN đã vận dụng quy định này để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu “khép kín” khi chi những khoản lớn mua hàng hóa, dịch vụ, gây thất thoát tiền của Nhà nước.
Không công khai, khó minh bạch
Trên cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu, nhiều DNNN đã ban hành quy chế, quy định lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho DN. Trên thực tế, mặc dù hoạt động mua sắm được vận hành theo quy định riêng của DN, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, một số DNNN như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Viễn thông Mobifone vẫn “tự nguyện” công khai rộng rãi trên Báo Đấu thầu và các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin về quá trình mua sắm như: thông báo mời thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trong khi đó, cũng có những DNNN lớn khác như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam..., có các lô hàng mua sắm theo quy định riêng với giá trị rất lớn nhưng thông tin về những cuộc thầu này ít được công khai.
Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, cơ chế cho các DNNN được áp dụng quy định riêng trong một số trường hợp lựa chọn nhà thầu một mặt tạo tính chủ động, linh hoạt và nâng cao trách nhiệm của DNNN. Tuy nhiên, quy định này có thể bị một số DNNN “vận dụng” để không phải đấu thầu công khai và hợp thức hóa việc “khép kín” trong lựa chọn nhà thầu cung cấp. Một khi việc lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp không công khai thì khó mà minh bạch được hoạt động mua sắm tại DN, từ đó tính công bằng, hiệu quả kinh tế trong đấu thầu mua sắm tại DNNN sẽ không được đảm bảo.
Ngăn chặn tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Một dẫn chứng cho nguy cơ về sự khép kín trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các DNNN khi thực hiện lựa chọn nhà thầu theo cơ chế riêng của doanh nghiệp là quy định của VICEM về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Công ty mẹ.
Theo quy định hiện hành về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được tổ chức tại Công ty mẹ Vicem (QĐ249) thì người ký quyết định này là Tổng giám đốc Vicem (quyết định có hiệu lực từ ngày 5/2/2016), mà không phải là Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM. Đơn vị đề nghị ban hành quyết định trên là Phòng Quản lý vật tư thiết bị và Mua sắm công nghệ. Như vậy, logic thông thường là khi đơn vị trực tiếp đứng ra tổ chức các hoạt động mua sắm (Phòng Quản lý vật tư thiết bị và Mua sắm công nghệ) của VICEM lại là nơi đệ trình quy định lựa chọn nhà thầu; Tổng giám đốc là người đại diện cho chủ đầu tư ký các hợp đồng thỏa thuận khung trong mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ lại là người ký ban hành Quyết định mua sắm thì quy định này sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố “chủ quan”.
TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch cho các hoạt động mua sắm hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại DNNN thì cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Bản thân nội bộ DNNN cũng cần phải có cơ chế kiểm soát, kiểm tra chéo lẫn nhau để bảo đảm sự minh bạch, công bằng và hiệu quả trong việc mua sắm này. Cần phải xác định rõ “lỗ hổng” nằm ở khâu nào trong quá trình lựa chọn nhà thầu, như do quy chế riêng của DNNN lỏng lẻo, chưa đạt yêu cầu hay do con người thực hiện chưa đúng, chưa đảm bảo được các yêu cầu khách quan đặt ra. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan ở bên ngoài cũng cần phải có chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động này, nếu phát hiện có những “lỗ hổng” trong quản lý, vận hành quy chế riêng của DNNN thì cần phải có biện pháp xử lý kịp thời, tránh gây thất thoát trong mua sắm.