Có cơ hội để tăng trưởng đạt kịch bản cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian tới, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tạo áp lực lớn đến điều hành kinh tế, nhưng cũng có nhiều cơ hội, thuận lợi đan xen. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực trong quý II. Đây là điều kiện để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và hoàn thành các mục tiêu phát triển năm 2024.
Tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: Tuấn Anh
Tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: Tuấn Anh

Tăng trưởng quý I vượt kịch bản đề ra

Quý I, bên cạnh 2 đầu tàu kinh tế TP.HCM và Hà Nội có mức tăng trưởng GRDP tích cực so với cùng kỳ năm 2023, còn có nhiều địa phương khác như Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), Hải Phòng (9,3%). Lãnh đạo nhiều địa phương đặt quyết tâm cao đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2 - 5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB dự báo năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%, S&P dự báo tăng 6,8%...

Khảo sát của Tổng cục Thống kê đối với doanh nghiệp chế biến, chế tạo và doanh nghiệp xây dựng cho thấy, dự báo quý II/2024 tình hình khả quan hơn quý I/2024. Doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2024 tăng, còn doanh nghiệp xây dựng nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt lên và hợp đồng xây dựng mới sẽ nhiều hơn.

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.

Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị), thì 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%.

Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Bộ KH&ĐT kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Nhiều doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tốt lên và đơn hàng mới nhiều hơn trong quý II/2024. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tốt lên và đơn hàng mới nhiều hơn trong quý II/2024. Ảnh: Lê Tiên

Tháo gỡ khó khăn, thực hiện cao nhất các mục tiêu

Dù kết quả quý I/2024 là tích cực, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức. Sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm 2011 - 2019. Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu cho thấy tâm lý thận trọng, tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm, theo dõi sát và cần có giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, thực hiện kiên định, nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô…

Tại Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nỗ lực thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Thủ tướng cho rằng, đang có điều kiện thuận lợi để phấn đấu, tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi rất nhanh, phải chủ động nắm bắt, theo dõi sát sao, điều hành linh hoạt, kịp thời.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ đề ra, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp và quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Theo Tổng cục Thống kê, qua khảo sát, trong quý I/2024, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhiều ý kiến đề nghị tạo cơ hội để các doanh nghiệp được giao lưu, tìm hiểu nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới; hỗ trợ nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề và lao động tay nghề cao.

Từ phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Chính phủ có các biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa, đồng thời có chính sách nhằm ổn định giá và nguồn cung nguyên vật liệu cho doanh nghiệp.