Có dư địa cho tăng trưởng bứt tốc trong quý IV

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với kết quả tăng trưởng 3 quý đầu năm không được như kỳ vọng, áp lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm là rất lớn. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 của Chính phủ thì tình hình sẽ sớm được cải thiện, tăng trưởng vẫn có những dư địa, động lực để bứt phá.
Khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh cuối năm. Ảnh: Lê Tiên
Khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh cuối năm. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tăng trưởng quý III giảm đáng kể ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. GDP quý III ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1990 đến nay, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm 9,28%; doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn…

Tuy nhiên, kết quả kinh tế 9 tháng có những điểm khả quan. Tính chung 9 tháng, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương 1,42%, CPI chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Thị trường tiền tệ ổn định, tín dụng trong 9 tháng đầu năm tăng 7,39%; tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Thu ngân sách 9 tháng đạt 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2020, kịp thời đáp ứng nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân trong khi vẫn thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 9 tháng tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế trong tương lai gần.

Trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng và mục tiêu cả năm, thông tin tại Họp báo Chính phủ tháng 9 ngày 2/10/2021, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã trình 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 3,5 điểm phần trăm), quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 7,06%. Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3,5%, quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 8,84%.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong quá khứ Việt Nam đã từng có quý đạt tăng trưởng 7%, tuy nhiên quý IV/2021 có nhiều điểm đặc biệt. Để đạt được mục tiêu ở 2 kịch bản, cần đáp ứng một số yêu cầu: doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị đóng băng, đóng cửa; lao động phải được dịch chuyển; hàng hoá phải lưu thông, bao gồm cả hàng hoá đầu vào và đầu ra. Thứ trưởng cũng hy vọng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, tăng trưởng quý IV sẽ đạt được mục tiêu trên 7% để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Dù mục tiêu là rất thách thức, nhưng không phải bất khả thi. Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, với độ mở nền kinh tế lớn, tình hình kinh tế thế giới sẽ tác động nhanh đến Việt Nam. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang phục hồi rất tốt, cầu xuất khẩu ổn định và sẽ mạnh trong thời gian tới… Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, sự suy giảm GDP trong quý III chỉ là nhất thời, tình thế sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt.

Theo khảo sát của Bộ KH&ĐT, khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, sau thời gian dài tạm dừng, nhiều dự án đầu tư công tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội được triển khai đồng loạt trở lại, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trong quý cuối năm, một trong những điều kiện tiên quyết, theo nhiều chuyên gia kinh tế, là cần xác định lộ trình mở cửa nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” phù hợp với tiến độ tiêm vắc xin. Ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị ban hành sớm tài liệu hướng dẫn “thích ứng an toàn với Covid” để xác lập kịch bản và các khung khổ hành xử của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì lưu ý có giải pháp hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kết nối lại chuỗi cung ứng, tuyển dụng lại lao động. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) nhấn mạnh việc triển khai những giải pháp đã được Chính phủ ban hành ở cấp địa phương, mong muốn các địa phương sẽ thực hiện thống nhất theo Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đặc biệt, phải bảo đảm lưu thông hàng hóa và nguồn nhân lực, tiêm vắc xin cho người lao động và những người đã về quê nay muốn trở lại làm việc. “Không thể mở cửa thành công nếu một số vùng vẫn còn có những ngăn cấm lưu thông hàng hóa và nhân lực, vì giao thông giống như mạch máu của cơ thể, nghẽn mạch máu thì cơ thể sẽ bị bệnh”, đại diện AmCham nói.