Ảnh Internet |
Khẩn trương xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan liên quan theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt. Thủ tướng nhấn mạnh phải triệt để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền; báo cáo kịp thời các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền để khai thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư; khắc phục triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và thông qua kênh trực tuyến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý cần sớm kết thúc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị các điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đất nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, ban hành Chương trình hành động cụ thể triển khai Nghị quyết nêu trên sau khi được ban hành. Trong đó có các giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khoá hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, chú ý giữ ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách thủ tục kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, tăng cường hậu kiểm, cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tận dụng tốt các cơ hội phục hồi nền kinh tế sau dịch. Đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp và người lao động yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động lớn của dịch; xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh, đúng thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm làm chậm, mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.
Chuẩn bị giải pháp hỗ trợ cụ thể
Bộ Tài chính phải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương tiếp tục rà soát, đề xuất gia hạn, miễn, giảm một số các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Bộ Công Thương có các giải pháp bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, khắc phục sự gián đoạn nguồn cung, củng cố thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, CPTPP.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh trở lại Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để hỗ trợ thích ứng với các điều kiện, hoàn cảnh của “trạng thái bình thường mới”, sẵn sàng đón nhận dòng vốn và cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp FDI chuyển dịch tới Việt Nam.
Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội, tạo giá trị mới, quan tâm đến phục vụ nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.