Cơ hội cho DN Việt từ dòng vốn FDI mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quý đầu tiên của năm 2024 tăng cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện so với cùng kỳ năm trước, được coi là điểm sáng trong bức tranh của nền kinh tế. Từ điểm sáng này mở ra những cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến ngày 20/3/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh
Từ đầu năm đến ngày 20/3/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Thu hút FDI tiếp tục tích cực

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục ĐTNN cho biết, tháng 3/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh của các dự án hiện hữu cũng như giá trị các giao dịch GVMCP cao hơn trong các tháng 1 và 2, số dự án đầu tư mới cũng nhiều hơn, song quy mô dự án mới nhỏ hơn. Tổng vốn đầu tư đăng ký trong 3 tháng tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có lợi thế trong thu hút FDI (hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,7% số dự án mới và 77,6% số vốn đầu tư của cả nước trong 3 tháng.

Cũng theo Cục ĐTNN, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 3 tháng đầu năm 2024.

TS. Võ Trí Thành nhận định, kết quả thu hút FDI là điểm rất sáng của kinh tế. Với kết quả đáng ghi nhận của hoạt động đối ngoại, mở cửa, Việt Nam đang có cơ hội chưa từng có để đón nhận dòng đầu tư chất lượng.

Nhìn lại, trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong năm 2023 ở mức 12% so với năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một ngoại lệ với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong năm 2023, tăng 32% so với năm 2022 và tiếp đà tăng mạnh trong quý đầu năm 2024. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, với nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội ổn định, lao động có trình độ năng lực, vốn FDI vào Việt Nam trong 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư, có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt

Theo ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng giám đốc ACB, dòng vốn FDI tăng liên tục với tốc độ cao các năm gần đây tạo nên lượng khách hàng tiềm năng rất lớn cho các ngân hàng Việt.

Lãnh đạo ACB chia sẻ, khi nói về ngân hàng phục vụ cho nhà ĐTNN thì thường nghĩ ngay đến việc các ngân hàng ngoại, các ngân hàng đến từ các quốc gia của nhà ĐTNN. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng Việt cũng đã đầu tư nguồn lực, công nghệ và chính sách phù hợp cho phân khúc FDI nhằm đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp ở quy mô vừa, có doanh thu từ 50 triệu USD hàng năm trở xuống, có địa bàn hoạt động trải dài nhiều tỉnh thành sẽ rất phù hợp khi có mối quan hệ hợp tác với ngân hàng Việt. “Với lợi thế am hiểu địa bàn, thị trường, văn hóa, con người và mạng lưới hoạt động rộng, các ngân hàng nội đang dần trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp FDI khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, ông Long tin tưởng.

Có nhiều kinh nghiệm hợp tác với doanh nghiệp FDI, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Coteccons nhận định, khi các nhà ĐTNN đến Việt Nam, ngoài văn hóa khác biệt, còn có nhiều lo lắng. Trong đó, giấy phép là một trở ngại lớn, tuy đã được tháo gỡ rất nhiều nhưng còn nhiều dư địa để cải thiện hơn nữa. Bên cạnh đó là lo lắng về chất lượng nhân sự, mức độ đắp ứng của các nhà cung cấp…

“Những gì họ lo lắng, nhức đầu để giải quyết đều là cơ hội cho chúng ta tăng giá trị của mình lên”, ông Duisenov nói và cho rằng, dòng vốn FDI mang đến rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt phục vụ trong chuỗi cung ứng của nhà ĐTNN như xây dựng, logistics… Ông Bolat Duisenov chia sẻ thực tế Coteccons đã dịch chuyển trọng tâm trong chiến lược kinh doanh sang đón đầu làn sóng FDI và doanh thu từ FDI của Công ty đã tăng khoảng 50%.

Đại diện nhiều doanh nghiệp đã có hợp tác thành công với khu vực FDI gợi mở, doanh nghiệp Việt cần chú trọng một số vấn đề mà nhà ĐTNN rất quan tâm hiện nay, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lượng xanh, thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và nâng cao trách nhiệm xã hội...

Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment đánh giá, doanh nghiệp Việt đã và đang chuẩn bị tốt hơn để sẵn sàng đón dòng vốn FDI mới. Năm 2024 là thời điểm hiếm có với các nhà đầu tư để tham gia vào các chuỗi cung ứng giá trị cao, góp phần tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Với chiến lược được chuẩn bị kỹ càng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ dòng vốn FDI mới để tăng nội lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Từ đó, kinh tế Việt Nam sẽ dễ dàng hội nhập và gia tăng giá trị cùng toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục