Xu hướng phát triển kinh tế số sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị tụt hậu. Ảnh: Nhã Chi |
Hỗ trợ doanh nghiệp bám trụ
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trong trạng thái “bình thường mới” dự kiến còn kéo dài, vấn đề then chốt đối với doanh nghiệp là làm sao duy trì được sản xuất ở mức độ nhất định, vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn chưa từng xảy ra trong lịch sử phát triển kinh tế. Chính sách cần hỗ trợ doanh nghiệp bám trụ được, giữ được một phần thị trường để trở lại hoạt động trước đây.
So sánh việc hỗ trợ doanh nghiệp sống được cũng giống vườn cây thiếu nước, làm sao cố giữ được cái rễ, thì khi có nước cây vẫn có cơ hội sống được, ông Trần Du Lịch cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp, gồm đảm bảo thanh khoản, vốn, giảm lãi suất, giãn nộp các loại thuế, phí, duy trì được thị trường bất động sản, thúc đẩy đầu tư công, hướng tới thị trường nội địa, kích cầu sức mua nội địa…
Lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Trần Du Lịch cho rằng quan trọng nhất hiện nay là giữ thanh khoản dòng tiền để duy trì vận hành, bởi vì “giống như xe đạp nhanh hay chậm cũng được nhưng ko được đứng lại, đứng lại là đổ ngã ngay”. Thứ hai là từ dịch này thấy rằng doanh nghiệp khi tham gia các chuỗi giá trị sản xuất, lưu thông phải phát triển bằng sở trường, tranh thủ thời cơ đa dạng thị trường thông qua các chuỗi. Và lời khuyên thứ ba, từ kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 - 2009, giai đoạn “ngủ đông” này là lúc củng cố năng lực quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sức mạnh nội lực bên trong, để khi có thời cơ bật trở lại.
Hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng thích ứng
Bên cạnh đó, gia tăng nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh và tình hình mới. Thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số…
Trước xu hướng phát triển mới này, với nguồn lực hữu hạn, một số chuyên gia nhận định, lựa chọn hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ sau những giải pháp vừa qua nên có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm vào khu vực doanh nghiệp có khả năng nắm bắt cơ hội, từ đó dẫn dắt nền kinh tế phục hồi, phát triển.
Đặt vấn đề “cứu đại trà hay chọn người để cứu”, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, việc giải cứu nền kinh tế nên tập trung vào các doanh nghiệp còn có khả năng vực dậy, thay vì cứu các doanh nghiệp nhỏ yếu. Theo ông Thiên, nếu dàn trải cứu những doanh nghiệp nhỏ yếu thì sau đó vẫn là những doanh nghiệp nhỏ li ti, bởi vì cấu trúc doanh nghiệp yếu kém, ốm yếu, “đổ rất nhiều sâm, sữa vẫn yếu”, không thể tạo ra thay đổi.
Bên cạnh đó, một phần nguồn lực khác, theo ông Trần Đình Thiên, cần dành để cứu trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, vì nếu tập trung cứu các doanh nghiệp này, nền kinh tế sẽ được “thay máu”, với một lực lượng doanh nghiệp công nghệ thích ứng với xu hướng phát triển mới.