Nhưng cơ hội không tự dưng đến. Cơ hội chỉ đến khi các doanh nghiệp hiểu thật rõ luật chơi và có bước chuẩn bị thật tốt.
Nhận định trên được nhiều chuyên gia đưa ra trong diễn đàn Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 1 - 3 - 2016 tại Hà Nội.
Cơ hội lớn
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, các nước cam kết xóa bỏ 78-95% dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam khi TPP có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…
Với thị trường chính Hoa Kỳ, có 85,6% tổng số dòng thuế công nghiệp được xóa bỏ ngay khi TPP có hiệu lực, tương ứng với 74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 6 tỷ USD) sang Hoa Kỳ được giảm thuế. Vào năm thứ 10, Hoa Kỳ sẽ xóa 100% số dòng thuế công nghiệp với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Một lộ trình cam kết giảm thuế với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cũng được Hoa Kỳ đưa ra với các nhóm hàng cụ thể như sau: thủy sản xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; 85% số dòng thuế giày dép được xóa bỏ ngay (chiếm 39,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ); đồ gỗ, cao su, dây cáp điện sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu trừ lốp ô tô xóa bỏ vào năm thứ 10 và 2 dòng thuế dây cáp điện xóa bỏ vào năm thứ 5; sản phẩm nhựa có 50% số dòng thuế được xóa bỏ; điện, điện tử có khoảng 80% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay.
Riêng với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ có 73,1% số dòng thuế (1.182 dòng) được xóa bỏ ngay khi TPP có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch (tương đương 3,5 tỷ USD). Trong 5 năm tiếp theo có thêm 7% số dòng thuế dệt may sẽ được xóa bỏ. Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế suất từ 35 - 50% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Sự hình thành của TPP sẽ tạo ra một khu vực kinh tế tự do với trên 7.000 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 1/3 tổng thương mại toàn cầu. Khi TPP có hiệu lực sẽ kích thích phát triển kinh tế trong khối, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho hàng xuất khẩu so với phần còn lại của thế giới. Trong TPP, có 2 thị trường doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới, mỗi năm khoảng 1.800 tỷ USD với đầy đủ các chủng loại hàng hóa thuộc phẩm cấp khác nhau, có sức mua cao, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các đối tác. Từ năm 2007 đến nay Hoa Kỳ luôn là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ (chiếm 1%), trong đó thị phần xuất khẩu chiếm khoảng 1,3%. Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ, dệt may Trung Quốc chiếm 45%, da giày Trung Quốc chiếm 65%, đây là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu khi TPP có hiệu lực.
Nhưng không dễ tận dụng
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho biết, với các FTA hiện nay thì không gian kinh tế đã thu hẹp. Cách thức sản xuất kinh doanh đã thay đổi cực kỳ lớn. Muốn hay không muốn thế giới vẫn bị chi phối bởi hàng trăm tập toàn xuyên quốc gia (TNCs). Các mạng sản xuất toàn cầu đã hình thành. Dù yêu hay ghét, doanh nghiệp Việt Nam đều phải bắt tay họ, bắt tay chưa chắc đem lại thành công nhưng không bắt tay là thất bại. Bởi việc tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là tất yếu.
Vị này cũng dự báo, lợi thế hiện nay của Việt Nam là lao động giá rẻ, nhưng trong 15 - 20 năm tới lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế khi công nghệ in 3D và quá trình tự động hóa đang diễn ra rất nhanh.Theo các kịch bản giả định, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, các lợi ích từ EVFTA và AEC mang lại chỉ bằng một nửa lợi ích từ TPP. Nhưng việc tân dụng các cơ hội này là không dễ dàng khi hiểu biết của các doanh nghiệp về TPP còn mù mờ, năng lực sản xuất còn hạn chế và thiếu một cơ chế hỗ trợ đầy đủ cho doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TPP là một sân chơi khắc nghiệt, để có được ưu đãi các doanh nghiệp phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và các quy tắc về an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển đội ngũ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam đang thiếu công ty trung gian, nắm bắt nhu cầu thị trường để đưa hàng hóa ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp nội địa đang phải trông chờ vào nhà buôn, kênh phân phối nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa. Nếu không làm tốt khâu bán hàng doanh nghiệp Việt có nguy cơ cày thuê trên chính mảnh ruộng của mình.
Cũng có ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là quy tắc xuất xứ hàng hóa, nếu không đáp ứng yêu cầu xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn phải chịu thuế quan bình thường. Đây là một khó khăn rất lớn, bởi ngay cả các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may và nhựa thì nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu vẫn được nhập khẩu. Chẳng hạn, nguồn nguyên liệu cho dệt may của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, mặt hàng nhựa chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Thái Lan và Trung Quốc. Để được hưởng thuế quan ưu đãi từ TPP buộc các doanh nghiệp phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng lo ngại các doah nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục sẽ thua ngay trên sân nhà. Bởi ngành dịch vụ tại các nước phát triển đang có sự vượt trội so với trong nước, mỗi năm người Việt đang chi khoảng 3 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Xu thế lấn át của các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ diễn ra trong thời gian tới, để đứng vững trên sân nhà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Tác động TPP rất rộng, tôi đã đọc và thật sự khó hiểu, dù tôi học đại học nhưng đọc bản thảo hiệp định TPP rất khó hiểu. Nên liệu các doanh nghiệp đọc có hiểu không? Đề nghị Bộ Công Thương chắt lọc, biên soạn thật cô đọng những điểm cơ bản của hiệp định, đặc biệt cần cụ thể hóa những thuận lợi, khó khăn cơ bản để doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Ông Tạ Văn Ngọ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa