Có nên cho doanh nghiệp mua lại dự án nhà ở xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh nhiều dự án nhà ở xã hội mở bán hàng chục lần vẫn ế, mặc dù người thu nhập thấp vẫn có nhu cầu.
Nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm do thiếu
đồng bộ tiện ích xã hội. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm do thiếu đồng bộ tiện ích xã hội. Ảnh: Nhã Chi

Để hóa giải nghịch lý này, xuất hiện đề xuất cho chủ doanh nghiệp sử dụng lao động mua lại dự án nhà ở xã hội.

Nghịch lý nhà ở xã hội: Thiếu nhưng vẫn ế

Lệch pha cung cầu đã dẫn đến tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu nhà ở xã hội. Tại Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh - những nơi được coi là thủ phủ khu công nghiệp, đa phần công nhân vẫn phải thuê nhà trong các khu dân cư không đảm bảo đời sống vật chất.

Trong khi đó, tại các khu vực xa trung tâm, thiếu đồng bộ tiện ích xã hội như bệnh viện, trường học, công viên lại diễn ra tình trạng ế ẩm nhà ở xã hội. Đơn cử như Dự án Nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) mở bán đến lần thứ 19 trong gần 5 năm với mức giá dưới 10 triệu đồng/m2 vẫn chưa hết. Một dự án khác tại Hoài Đức (Hà Nội) là AZ Thăng Long mở bán lần thứ 12 vẫn không hết căn hộ. Dự án Nhà ở xã hội Phú Lãm Hà Đông (Hà Nội) cũng qua 5 năm bán vẫn tồn đọng nhiều căn chưa bán được…

Nghịch lý trên, theo các chuyên gia, là do nhiều nguyên nhân. Ở nguồn cung, các doanh nghiệp hầu như không mặn mà xây dựng bởi lợi nhuận mang lại của các dự án này không cao như các công trình nhà ở thương mại. Gói tín dụng hỗ trợ vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng từ năm 2016 đã bị dừng. Đặc biệt, một số địa phương có đất không làm, thậm chí, chọn địa điểm làm nhà ở xã hội không phù hợp dẫn đến không phát triển được dự án, hoặc có dự án nhưng không có nhiều người về ở.

Tại Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, đến hết năm 2019, chỉ có 207 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, tương đương hơn 4,3 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đạt khoảng 34,3%.

Thực trạng này cho thấy nguồn cung nhà ở xã hội vẫn rất khan hiếm so với nhu cầu toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn...

Đề xuất bổ sung doanh nghiệp được mua dự án nhà ở xã hội

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, mới đây, một doanh nghiệp FDI đã đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua và bố trí cho công nhân viên của mình ở. Đối tượng ở là công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, thuộc đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Luật Nhà ở và Nghị định 100 của Chính phủ.

Bình luận về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, việc doanh nghiệp muốn bỏ kinh phí để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân là giải pháp đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với thực tế nhiều công nhân thu nhập thấp khó mua nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. “Đây là tiền công ty trợ giúp về mặt an sinh xã hội, rất tốt”, ông Võ nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đồng tình khi cho rằng, dựa trên mục đích của các doanh nghiệp, nếu phù hợp với pháp luật thì đều có thể chấp nhận. Pháp luật quy định rõ: có 9 đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, gồm người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo và cận nghèo nông thôn, người làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp…

“Nếu một doanh nghiệp kiến nghị cho phép họ mua nhà ở xã hội để bán, cho công nhân thuê lại - đúng với đối tượng pháp luật quy định thì hoàn toàn chấp nhận được. Điều này giúp công nhân, người lao động thu nhập thấp có cơ hội được an cư lạc nghiệp, đồng thời giúp thanh khoản tốt nhà ở xã hội”, ông Đính nói. Tuy nhiên, nhà ở xã hội được đầu tư chủ yếu bằng nguồn lực của Nhà nước, nếu cho thuê mua có thể dẫn đến những tiêu cực xảy ra như bán lại, cho thuê lại chênh lệch giá. Do đó, doanh nghiệp phải sử dụng đúng chức năng, trong trường hợp sử dụng sai mục đích, bán cho người nước ngoài ở, cơ quan thanh tra, kiểm tra các sở ngành, địa phương hoàn toàn có thể kiểm tra và xử phạt.

“Khi đồng ý cho doanh nghiệp mua, thuê mua lại phải đảm bảo dùng đúng mục tiêu, không được kinh doanh lấy lãi, ăn chênh lệch giá. Muốn kiểm soát được tình trạng này, chính quyền địa phương phải động viên chính công nhân trong khu vực, công ty đó giám sát xem dự án nhà ở xã hội đó có thực sự dành cho họ hay không?”, ông Võ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục